Xã Giao Phong (Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh của toàn quốc, đến nay đã đạt được trên 80% các tiêu chí đề ra.

Thành công này có sự đóng góp chung của anh Cao Văn Mạnh, Tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xóm Hồng Phong.

Anh Cao Văn Mạnh (thứ 2 từ trái sang) cùng tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng các ứng dụng số.
Anh Cao Văn Mạnh (thứ 2 từ trái sang) cùng tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng các ứng dụng số.

Với phong cách làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát, "miệng nói tay làm", sáng tạo nhiều ý tưởng, cách làm hiệu quả để giúp người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ số nên anh Mạnh, sinh năm 1983, được người dân địa phương ghi nhận là “người mang công nghệ số đến với cộng đồng”.

Được rèn luyện và trở thành đảng viên từ trong quân ngũ nên khi trở về địa phương anh luôn ý thức rõ vai trò xung kích, tiên phong của người cán bộ, đảng viên trong công cuộc chuyển đổi số; đề cao tinh thần, trách nhiệm gương mẫu, đi đầu kéo theo cộng đồng trở thành công dân số, xây dựng xã hội số.

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đưa công nghệ số đến với cộng đồng ở vùng nông thôn ven biển, anh gặp không ít khó khăn vì người dân quen “ăn sóng, nói gió” chưa tiếp cận nhiều những tiện ích mà công nghệ số mang lại. Bản thân các thành viên tổ CNSCĐ cũng còn hạn chế về kiến thức, ít kinh nghiệm truyền tải kỹ năng số cho người dân.

Để khắc phục khó khăn này, tổ CNSCĐ thống nhất phương án phân công các thành viên cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng chịu trách nhiệm đi vận động, kêu gọi người dân tham gia tập huấn về kỹ năng sử dụng các ứng dụng số hóa.

Các thành viên trẻ tuổi thì đảm nhiệm việc trực tiếp cài đặt hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số.

Bên cạnh đó tổ CNSCĐ tiếp tục tổ chức đi tuyên truyền, vận động nhân dân tại các nơi tập trung đông người như: Chợ dân sinh, cổng trường học vào giờ phụ huynh chờ đón con và kiên trì đến từng nhà vận động từng người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số…

Trong quá trình hoạt động tổ CNSCĐ tại cơ sở xóm luôn luôn tự nghiên cứu, học hỏi trau dồi kinh nghiệm, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về công nghệ số để có thêm kỹ năng hoạt động.

Bằng các cách làm đó sau một thời gian được thành lập, tổ CNSCĐ xóm Hồng Phong đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi số thiết thực, hiệu quả, sát với nhu cầu của người dân, làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hàng ngày; có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến do cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng cũng như cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, phòng tránh nguy cơ tội phạm công nghệ cao như bị lừa đảo trực tuyến hay bị đánh cắp dữ liệu... Bà con có kỹ năng xác định được các trang mua sắm trực tuyến tin cậy, thanh toán trực tuyến an toàn.

Tổ CNSCĐ xóm cũng thường xuyên vận động, hướng dẫn xây dựng các "tuyến đường phố không dùng tiền mặt" tại các khu dân cư, thành lập các nhóm Zalo tổ tự quản trong khu dân cư để tuyên truyền, phổ biến thông tin, các quy định của chính quyền địa phương đến với người dân nhanh nhất.

Đến nay, trong xóm đã có hơn 800 tài khoản dịch vụ công trực tuyến của người dân được khởi tạo và khai thác sử dụng; 1.215 tài khoản VNeID mức độ 1, 2 được cài đặt và kích hoạt; trên 90% người dân trong độ tuổi có tài khoản ngân hàng; 100% cán bộ hưu trí nhận lương hưu, người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng và công nhân nhận lương thông qua tài khoản, không dùng tiền mặt. 

Nhiều hộ dân tổ chức giới thiệu sản phẩm, thiết lập kênh bán hàng trên môi trường mạng. Kết quả này đã giúp cho công dân của xóm có cuộc sống tiện lợi, thoải mái hơn, giải quyết các công việc liên quan với  chính quyền hiệu quả hơn, từ đó từng bước hướng đến xây dựng xã hội số, công dân số.

“TCNSCĐ xóm Hồng Phong hoạt động tích cực và hiệu quả, góp phần đắc lực cùng xã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. Cá nhân đồng chí tổ trưởng tổ CNSCĐ không ngại khó khăn và luôn sáng tạo trong cách thức tuyên truyền, vận động đưa công nghệ số đến với người dân. Anh Mạnh vinh dự được tham dự buổi tọa đàm với Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10).  Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới TCNSCĐ xóm Hồng Phong tiếp tục triển khai thêm nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số đến với người dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số của xã cũng như của huyện và của tỉnh. Báo cáo đề xuất với Chính phủ, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho các thành viên tổ CNSCĐ cũng như bố trí kinh phí để hỗ trợ tổ CNSCĐ trong suốt quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lừa đảo, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, giúp người dân thực sự yên tâm, tin tưởng tham gia, sử dụng các nền tảng ứng dụng, tiện ích số để trở thành những công dân số tích cực trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)