Hủy cọc mua xe ở Hải Dương vì là người Quảng Ninh
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Phạm Bá Tiên (TX Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, anh hiện công tác ở TP Hả Dương, tỉnh Hải Dương và có nhu cầu mua xe nhãn hiệu KIA Carens New Generation 1.4 Turbo Signature màu trắng để phục vụ công việc.
Tuy nhiên, khi đến tìm hiểu mua xe tại đại lý KIA TP Hải Dương thì anh được nhân viên tại đây thông tin rằng nếu anh Tiên muốn mua xe ở TP Hải Dương thì phải về đại lý KIA ở Quảng Ninh để xin giấy xác nhận "được phép mua" rồi mới quay lại để mua được xe ở địa bàn này.
Ngày 15/4, anh Tiên cùng người thân tới đại lý KIA Quảng Ninh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) để xin xác nhận "quyền mua xe ở Hải Dương" thì đại diện đại lý tại đây lại yêu cầu phải mua xe ở đại lý KIA Quảng Ninh. Nhân viên này giải thích, đây là chính sách phân vùng của công ty.
“Tôi muốn mua xe ở bên TP Hải Dương vì tiện ngay gần chỗ làm việc và sau này dễ dàng bảo hành bảo dưỡng, giờ phải quay ngược về Quảng Ninh mua thì tốn nhiều thời gian đi lại quá”, anh Tiên than phiền.
Tuy nhiên, anh Tiên cho biết, anh vẫn nghe theo hướng dẫn của các nhân viên bán xe, quyết định hủy cọc ở đại lý KIA Hải Dương và trong ngày 15/4, đồng ý "chốt đơn" mua xe ở đại lý KIA Quảng Ninh, đồng thời đặt cọc 50 triệu đồng.
Thế nhưng đến ngày 18/4, đại diện đại lý KIA Quảng Ninh thông báo với anh Tiên rằng hiện tại không có xe đúng như yêu cầu anh mong muốn. Đồng thời, đại diện đại lý KIA Quảng Ninh yêu cầu anh Tiên ký vào phiếu xin nhận lại tiền đặt cọc.
Quá bức xúc, anh Tiên không ký và yêu cầu đại lý KIA Quảng Ninh phải xin lỗi khách hàng vì bất cập này nhưng chưa được đáp ứng. “Tôi là người rất muốn mua xe ô tô để phục vụ công việc, có xe là tôi lấy ngay nhưng chính sách này của bên bán xe khiến khách hàng như tôi rất mất thời gian. Họ yêu cầu tôi ký vào bản xin nhận lại tiền cọc như thể tôi đang là người sai”, anh Tiên bức xúc nói.
Vị khách hàng này cũng cho hay, khi anh đề nghị KIA Quảng Ninh nhờ bên KIA Hải Dương hỗ trợ để phục vụ khách hàng vì bên đó có mẫu xe như anh mong muốn nhưng đại lý này không đồng ý.
Cũng gặp tình huống tương tự, anh Võ Thế Mỹ (37 tuổi, thường trú tại Bắc Giang) chia sẻ với PV VietNamnet câu chuyện của mình.
Anh Mỹ cho biết, anh có hộ khẩu thường trú tại Bắc Giang nhưng đã sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội. Cách đây không lâu, anh dự định mua một chiếc KIA Sonet tại một đại lý tại Hà Nội cho tiện giao dịch, giá của đại lý báo lại có phần tốt hơn so với ở quê Bắc Giang, đại lý lại có sẵn xe để sẵn sàng giao ngay phiên bản và màu sắc khách yêu cầu.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu, anh Mỹ gặp khó vì chính sách phân vùng của công ty. Nhân viên tại đây cho biết, do hộ khẩu thường trú của anh Mỹ vẫn ở Bắc Giang nên anh phải quay về đại lý Bắc Giang mới mua được xe. Kể cả khi anh Mỹ đã tạm trú nhiều năm (diện KT3) tại Hà Nội cũng không được mua xe ở Hà Nội.
Thời điểm đó, dù rất muốn bán xe cho anh Mỹ nhưng nhân viên bán hàng của đại lý KIA tại Hà Nội vẫn phải "lắc đầu". Vì nếu bán, đại lý sẽ bị phạt.
"Tôi nghĩ thời nào rồi mà vẫn bán hàng kiểu bao cấp như vậy? Xe là một mặt hàng giống như trăm nghìn mặt hàng khác, khi khách hàng có nhu cầu mua và đại lý có nhu cầu bán mà vẫn gặp rào cản thì cả hai bên đều thiệt. Tôi quyết định dừng việc mua xe lại và nghiên cứu sang một số thương hiệu khác có chính sách bán hàng đơn giản hơn", anh Mỹ cho hay.
Bán xe kiểu thời bao cấp, gây khó cho khách mua
Trong vai một khách hàng, PV VietNamNet đã gọi điện đến tư vấn bán hàng của KIA Quảng Ninh để kiểm chứng. Khi gọi tới một nhân viên tên T. ở KIA Quảng Ninh (có số điện thoại là 0981.xxx.xxx), anh này đã hỏi luôn hộ khẩu thường trú của khách hàng ở đâu sau một vài câu chào xã giao.
Khi được trả lời là không phải người Quảng Ninh mà chỉ làm việc ở đây thôi, nhân viên sale này nhanh chóng đề nghị khách liên hệ với đúng đại lý ở địa phương đó. Đồng thời giải thích nhanh, do đây là chính sách phân vùng bán hàng của THACO, người tỉnh nào chỉ mua xe ở tỉnh đó mà thôi, rồi dập máy.
Trên thực tế, chính sách phân vùng bán hàng trong lĩnh vực ô tô không phải hiếm gặp, thậm chí còn khá phổ biến trong vài năm trở lại đây của một số thương hiệu xe lớn.
Không phải chỉ các thương hiệu do THACO lắp ráp, phân phối như Mazda, KIA mà nhiều hãng xe khác như Honda, Toyota, Mitsubishi,... cũng áp dụng chính sách này từ khoảng 5-6 năm nay.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết, chính sách trên chủ yếu ở các hãng xe có nhiều đại lý, độ phủ sóng rộng áp dụng, nhằm hạn chế cạnh tranh nội bộ giữa các khu vực với nhau. Thực tế thì điều này chỉ có lợi cho hãng chứ không có lợi cho khách hàng.
Theo vị chuyên gia này, nguyên tắc của thị trường là tự do mua bán những gì mà Nhà nước không cấm. Nếu bằng một cách nào đó gây cản trở việc mua bán này thì các hãng xe đang 'ngăn sông cấm chợ'.
"Khách hàng phải là thượng đế, nhưng nếu ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp như vậy thì họ không còn là thượng đế nữa rồi. Tôi cho rằng đây là hiện tượng lạ và không có lợi cho thị trường Việt Nam", PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia marketing, Thạc sỹ Nguyễn Văn Phương cho rằng, chính sách phân vùng của các hãng xe có nhiều ưu điểm cho việc phân phối và phát triển hệ thống bán hàng. Ví dụ như giúp tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý ở các tỉnh thành lân cận, giữa các đại lý lớn và nhỏ... Về logic, không có lý do gì khách hàng phải đi xa hơn để mua xe, tốn thêm chi phí không cần thiết trong khi đăng ký xe vẫn phải theo hộ khẩu.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, việc phân vùng như vậy khiến sự lựa chọn của khách hàng bị giới hạn. Từ đó, dẫn tới sự độc quyền cục bộ cả về chính sách giá, khuyến mại và cả dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng bởi khách hàng đã bị "đóng khung" mua xe theo khu vực địa bàn.
"Trên thực tế luôn có sự cạnh tranh ngầm giữa các đại lý với nhau về giá bán cũng như dịch vụ tặng kèm, đúng ra khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Nhưng do "rào cản" mà các hãng đưa ra đã khiến nhiều khách hàng mất đi cơ hội này. Theo tôi, các hãng xe trong thời gian tới nên thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh với các hãng khác thay vì chỉ lo "chia phần" cho nội bộ của mình", chuyên gia marketing Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Hoàng Hiệp- Phạm Công
Trên thực tế, chính sách phân vùng bán hàng không phải hiếm gặp, thậm chí còn khá phổ biến trong vài năm trở lại đây của một số thương hiệu xe lớn.
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn dưới phần bình luận hoặc gửi bài viết về Ban Ô tô Xe máy - Báo VietNamNet theo địa chỉ: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!