Suốt 33 năm trong nghề, hàng triệu lá thư, hàng nghìn bưu phẩm bưu kiện chở những niềm vui, nỗi buồn, sự yêu thương, trân trọng... được anh chuyển đến đúng tên người, địa chỉ. Anh không thể nhớ được bao nhiêu lần mang công văn hỏa tốc lên đường giữa đêm khuya, những ngày lụt bão... Công văn giấy tờ Đảng, Chính Phủ đã luôn được anh chuyển đi nhanh chóng, chính xác, an toàn và bí mật Mặc cho cái nắng nóng oi bức ngày hè, hay cái rét cắt ruột của trời đông lạnh giá, bước chân của anh đã trải qua 26 phường xã, 4 đường nhận - phát cơ quan khắp thành phố Thái Nguyên...
|
Ông Lê Xuân Tường |
Trong đời công tác anh có rất nhiều kỷ niệm với công việc nhưng có những kỉ niệm mãi khắc sâu vào ký ức. Năm 1989 khi anh nhận nhiệm vụ phát một bức thư gửi từ Pháp về với tên họ người nhận đầy đủ nhưng địa chỉ là Đường Kép Le thị xã Thái Nguyên (đây là tên con đường có từ thập kỷ 50 và đã không còn trên bản đồ hành chính những năm đó). Số nhà không có, con đường cũ bấy giờ đã thay đổi và là nhiều con đường, ngõ ngách khác nhau. Kiên trì đi hỏi thăm các ngóc ngách và rất nhiều người cao tuổi, ròng rã gần 3 tuần anh tìm được vào một căn nhà nhỏ sâu trong ngõ của đường Phủ Liễn. Chủ nhân là một ông già khoảng gần 70 tuổi và sống độc thân. Khi đọc địa chỉ người gửi trên lá thư ông chỉ biết ôm lấy anh nghẹn ngào khóc, đó là người em trai ông đã thất lạc hơn 10 năm nay và bây giờ có tin. Vậy là sự tận tụy và kiên trì của anh đã được đền đáp. Từ ngày ấy cụ luôn coi anh như người nhà, anh cũng hay thường xuyên vào thăm hỏi và phát cho cụ những lá thư của người em giờ gửi đã đúng địa chỉ hiện tại. Anh kể có lần vào chiều 30 Tết, lúc 17h anh nhận được tin cần phát một bức điện khẩn. Bữa cơm tất niên đang chuẩn bị cùng gia đình phải gác lại. Anh vội lên đường đi phát, đến nơi trời tối, chủ nhà có chó dữ, anh đứng ngoài đường gọi vào nói: “Tôi là bưu tá của Bưu điện, đến nhà phát bức điện báo tin buồn”. Chưa kịp nghe anh giải thích và nói đầu đuôi, một người đàn ông trong gia đình ra mắng nhiếc anh thậm tệ vì năm mới, giao thừa sắp đến lại báo tin buồn, mang điều xui vào gia đình. Anh thấy bực mình và thấy buồn vô kể. May sao có bà mẹ bước ra và hỏi anh, khi vào nhà đọc nội dung bức điện bà khóc òa lên và bảo con trai: “Bà mất rồi con ạ”. .. Và hôm đó anh về nhà bữa cơm Tất niên gia đình vẫn đợi cũng đã rất muộn...
Có những giấy báo lĩnh tiền, bưu phẩm ghi không rõ địa chỉ người nhận nhưng anh vẫn kiên trì dò hỏi để phát bằng được... Ngày nào cũng lượt đi, lượt về nhưng anh chưa bao giờ để xảy ra sai sót, chưa bao giờ để mọi người phải phàn nàn về thái độ phục vụ. Với cương vị Tổ trưởng Tổ Bưu tá, anh luôn là người gương mẫu trong mọi công việc. Nói đến sức khỏe, anh cười bảo: “Là thương binh đấy, nhưng nhờ các đồng đội đã hi sinh phù hộ hay sao mà chưa bao giờ phải nằm viện, nghỉ ốm”.
Sự trung thực, lòng quyết tâm và cái chất lính của anh bộ đội Cụ Hồ đã làm khách hàng yêu mến và hài lòng với anh. Đó là niềm vui, động lực tốt nhất để anh cống hiến và phục vụ cho ngành Bưu chính Việt Nam ngày càng phát triển.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 7/2010.