ThS Nguyễn Đức Hoàng hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông). Anh đồng thời cũng là giảng viên môn Thiết kế trò chơi, khoa Thiết kế sáng tạo Đa phương tiện.

Từ học sinh chuyên Nga thành game thủ 

Những năm còn học tại lớp chuyên Nga của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Đức Hoàng luôn thích thú tìm hiểu các kiến thức về công nghệ viễn thông. Với bản tính tò mò, thích tìm hiểu cái mới, cậu học trò trường Ams quyết định “liều mình” đăng ký khối A, ngành Điện tử Viễn thông của Trường ĐH Giao thông Vận tải.

{keywords}
ThS Nguyễn Đức Hoàng (1986) hiện đang là Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Đỗ vào trường, nhưng sau năm học đầu tiên, Hoàng lại bắt đầu băn khoăn trước câu hỏi: “Học để làm gì?”. Thậm chí, câu hỏi này đã theo anh trong suốt 5 năm thời đại học.

“Mình không biết sẽ phải làm gì sau khi ra khỏi trường. Mọi thứ khá mơ hồ và bản thân mình cũng không rõ sẽ phải đi ra sao trên con đường ấy”, anh nhớ lại.

Cũng trong giai đoạn đó, Hoàng tìm hiểu nhiều hơn về trò chơi điện tử hay còn gọi là game. Từ chỗ là người chơi, cậu tìm hiểu về cách thức vận hành trò chơi, tạo ra trò chơi. Cậu cũng nhận thấy một nền công nghiệp trò chơi còn non trẻ của Việt Nam không thể dựa vào việc nhập những trò chơi từ nước ngoài về phát hành mà cần phải được làm bởi chính bàn tay người Việt, kể những câu chuyện của người Việt, thể hiện văn hoá của người Việt. Sau quãng thời gian này, cậu cũng nhận ra nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Cậu mong muốn tạo ra một ngành công nghiệp không khói, nhiều màu sắc, hấp dẫn và mang bản sắc của dân tộc.

Là "game thủ" và bây giờ là một thầy giáo, Đức Hoàng cho biết: “Không có khái niệm chơi game là xấu. Nó chỉ xấu khi mình chơi game không đúng cách. Ví dụ, có những người khi chơi game sẽ nói tục chửi bậy hoặc quá đắm chìm vào game mà quên đi mọi thứ xung quanh. 

Mình cho rằng, chơi game cũng rất hữu ích nếu chơi đúng cách vì nó yêu cầu người chơi cần phải có một cái đầu biết suy nghĩ và luôn tính toán kỹ càng mọi thứ”.

{keywords}

Song song với việc giảng dạy, ThS Nguyễn Đức Hoàng cũng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu.

Năm 2009, Nguyễn Đức Hoàng về Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với vai trò là nghiên cứu viên Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT. Sau đó 3 năm, anh có cơ duyên tham gia vào nhóm sáng lập Khoa Đa phương tiện và tham gia giảng dạy trong Khoa tới nay.

Từng băn khoăn trước câu hỏi “Học để làm gì”, nhưng giờ đây, trước khi bắt đầu môn học, thầy Hoàng đều chỉ ra cho sinh viên của mình biết “Tại sao cần phải học những kiến thức này và nó sẽ được ứng dụng ra sao sau khi ra trường”.

Do vậy, hầu hết sinh viên sau khi học xong đều tìm được con đường đi riêng cho bản thân và sống tốt với vốn kiến thức đã được trang bị. Nhiều bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành những nghiên cứu viên cùng các thầy phát triển ra nhiều công nghệ mới, ứng dụng mới phục vụ hữu ích cho cuộc sống.

Xây giấc mơ “Ảo” trong cuộc sống “Thực”

Song song với việc giảng dạy, ThS Nguyễn Đức Hoàng cũng dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, bởi với anh “những cái mới luôn có sức lôi cuốn kỳ lạ”. Đặc biệt, anh đam mê và nghiên cứu sâu về công nghệ Thực tại Ảo (VR) với mong muốn xây dựng, tái tạo những giá trị hữu ích trên không gian số.

ThS Hoàng đang tham gia một đề tài cấp Nhà nước trong lĩnh vực y tế nhằm hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng Nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo. Đề tài giúp cho các bác sĩ Nhi khoa được thực hành với bệnh nhân ảo 3D trong môi trường ảo mọi lúc, mọi nơi.

Anh cùng cộng sự đã xây dựng được nguyên mẫu mô hình cơ thể Nhi (robot thực hành) và cơ thể nhi ảo 3D (thực tại ảo) có khả năng tương tác và có những tham số cơ bản về chức năng sống như nhiệt độ, nhịp thở, mạch, huyết áp, chuyển động, … nhằm mô phỏng lại một bệnh nhi điển hình, phục vụ cho việc thực hành của các bác sĩ trước khi khám chữa bệnh lâm sàng.

ThS Nguyễn Đức Hoàng kỳ vọng, sản phẩm sau khi thử nghiệm thành công sẽ được chuyển giao cho Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện nhi khác để phục vụ cho công tác thực hành tiền lâm sàng đối với 8 trường hợp cấp cứu Nhi khoa thường gặp trong nỗ lực cải thiện tỷ lệ tử vong trên trẻ cấp cứu.

{keywords}

ThS Nguyễn Đức Hoàng cùng đồng nghiệp

Một trong những nghiên cứu khác của giảng viên trẻ là về việc nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ du lịch thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Với ứng dụng này, người dùng có thể thử trải nghiệm cảnh quan ở một địa điểm nào đó trước khi quyết định có đi tới điểm này hay không thông qua công nghệ thực tế ảo.

Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng sẽ gợi ý cho du khách những nơi nên đi, những thứ nên mua và việc ăn uống, nghỉ ngơi sẽ ra sao. Bằng công nghệ mới như AI, các lời giải đáp sẽ được trả lời tự động tới du khách.

“Ví dụ, nếu du khách muốn tới Nam Trà My nhưng không biết địa điểm đó có đẹp hay không, ứng dụng sẽ giúp du khách quan sát toàn cảnh của địa điểm và chi tiết từng vùng dựa trên những bức ảnh 360 độ.

Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng sẽ giới thiệu về các đặc sản của địa phương, ví dụ tới Nam Trà My, du khách có thể trải nghiệm tới những nơi trồng Sâm Ngọc Linh, xem củ sâm bằng những hình ảnh đã được số hóa”, anh Hoàng nói.

Để có được những hình ảnh này, nhóm nghiên cứu đã phải đi tới cả những vùng sâu, vùng xa để thu thập tư liệu. Anh Hoàng cũng từng trải qua những lần “suýt chết” vì lở đá hay phải qua đêm tại lán giữa lưng chừng vách núi.

“Đó đều là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Mình hy vọng có thể thực hiện được ở nhiều địa điểm hơn nữa để có thể số hóa lại toàn bộ không gian quốc gia”.

Bên cạnh đó, ThS Hoàng còn ứng dụng công nghệ 3D và thực tế ảo vào công tác tuyên truyền chủ quyền Biển đảo Việt Nam phối hợp cùng Cục thông tin Cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông. Sản phẩm triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” xây dựng trên công nghệ thực tế ảo đã được triển khai tại hàng chục cuộc triển lãm trên toàn quốc và trong năm 2019, sản phẩm đã được triển khai trên internet để người dân Việt Nam có thể trải nhiệm mọi lúc, mọi nơi.

“Thông qua những cú nhấp chuột, bà con có thể xem chi tiết các hiện vật mà không cần tới phòng triển lãm. Ứng dụng cũng có tính năng hướng dẫn viên ảo để người dùng có thể xem thuyết minh toàn bộ nội dung cùng những tư liệu đã được số hóa rất chi tiết và chân thực.

Ví dụ, mảnh vỡ tàu cảnh sát biển bị đâm vỡ có khối lượng nặng, khó có thể mang đi triển lãm cũng được số hóa lại, cho phép người xem như được “chạm” vào hiện vật”.

Với những đóng góp trong vai trò Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển Ứng dụng Đa phương tiện, giảng viên môn Thiết kế trò chơi, khoa Thiết kế sáng tạo Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Ths Nguyễn Đức Hoàng vừa được tôn vinh là 1 trong 41 cá nhân điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV năm 2020.

Thúy Nga

Nữ giảng viên 8X vượt qua cái khó của 'người tìm đường'

Nữ giảng viên 8X vượt qua cái khó của 'người tìm đường'

Trong 15 năm giảng dạy, cô Hằng gặp không ít sinh viên giỏi, thậm chí có những kỹ năng vượt trội hơn giảng viên. Nhưng cô lại cho đó là điều bình thường, bởi “ngay như huấn luyện viên Park Hang-Seo cũng chưa chắc đá bóng giỏi bằng Quang Hải”.