Thời tôi học phổ thông, những khái niệm về hướng nghiệp hay định hướng tương lai là một thứ rất xa xôi. Chúng tôi chọn môn học, thậm chí ngành học từ cấp 3 đến đại học đều xuất phát từ một cá nhân mình ngưỡng mộ, yêu thích. Hoặc đơn giản chỉ là thầy/cô đó dạy rất hay, rất dễ hiểu, biến giờ học thành khoảng thời gian của những trải nghiệm thú vị khiến mình học tốt môn học đó. 

Tôi bắt đầu học môn Sinh vật là lớp 6 và may mắn được học với một người thầy rất giỏi. Ông là giáo viên miền Nam, từ dạy đại học, xuống dạy cấp 3 rồi nghỉ. Năm đó vì huyện thiếu giáo viên, nên nhận thầy vào dạy lớp 6. Thi thoảng vui vì học trò hay có điều gì đó phấn chấn, thầy hay nói mấy câu tiếng Pháp không ai hiểu.

Bọn trẻ chúng tôi lúc đó sống ở vùng đồi núi, nên không riêng gì tôi, mấy món chiết cây tỉa cành đứa nào cũng hứng thú. Do tôi nghe lời thầy, làm thêm sổ tay thực vật rồi ghép lá cắt ảnh vào đó theo hướng dẫn của thầy, nên thầy đặc biệt khen. 

Ảnh minh họa

Năm nào điểm Sinh vật của tôi cũng đứng đầu lớp. Đến đầu năm lớp 9, chia tỉnh Bình Trị Thiên, tôi về quê nội học. Ghé chào thầy, thầy còn nhắc lại lời khuyên, sau này con nên đi theo nghề y. Thầy bảo, “Thầy dạy nhiều năm rồi thầy biết, người như con rất hợp nghề đó. Không phải do năm nào con cũng đứng đầu môn Sinh, mà là vì tâm tính con hợp”.

Những người tôi quen biết, có nhiều người là bác sỹ. Nhìn họ rất đáng ngưỡng mộ, và tôi luôn ấp ủ ước mơ đó.

Đó là thứ Hai, ngày 16 tháng 10 năm 1989. Lớp 9 tôi vào học là một lớp đa thành phần kiểu “tị nạn” do chia tỉnh, đa phần đều sinh ra và học từ thành phố Huế trở về, riêng tôi từ vùng huyện.

Khác với học sinh ở thành phố, bọn tôi hoàn toàn không được dạy vẽ. Việc 1 giáo viên dạy kiêm nhiệm vài ba môn là chuyện hết sức bình thường.

Tôi vừa vào lớp thì ngay tiết kế tiếp có kiểm tra 15 phút môn Sinh vật, đề rất dễ với tôi. Chỉ yêu cầu vẽ lại vòng tuần hoàn máu (4 điểm) và mô tả hoạt động của nó (6 điểm). Tuy tôi vẽ xấu, nhưng cũng rõ hình hài, và mô tả chi tiết đầy đủ chức năng của vòng tuần hoàn. Các bạn từ Huế ra đa phần được 9,10 điểm, riêng tôi thầy cho 5 điểm. 

Thầy giải thích là do phần mô tả tôi trình bày chưa mạch lạc bằng các bạn, nên kém 1 điểm. Tôi vẽ vòng tuần hoàn giống cái buồng trứng, nên thầy không cho điểm. Tôi mới đến, thầy không biết, nên thầy gọi đứng dậy hỏi và trao “lời vàng ý ngọc” ngay giữa lớp.

Thầy cười. Cả lớp cười nghiêng ngả với cái "buồng trứng".

Cho đến mãi về sau này, tôi cũng không trách giận thầy, nhưng từ thời điểm đó, tôi dành cho môn Sinh vật một lòng hận thù không giới hạn. Từ khi đó đến tốt nghiệp lớp 12 tôi chưa bao giờ đạt được 5 điểm môn Sinh. Trong giờ học môn Sinh, tôi không bao giờ học, không nghe giảng. Tôi không làm bất cứ thứ gì liên quan đến nó. Và tôi không bao giờ quan tâm xem cuốn sách Sinh học viết gì.

Do ham mê kiến thức, bất cứ thứ gì mà tôi thấy chưa biết, chưa hiểu, tôi đều cố công học hỏi và tìm đọc, để đáp ứng cơ bản hiểu biết của tôi về lĩnh vực đó. Nhưng riêng kiến thức sinh vật thì trừ cây cỏ và muông thú, còn lại về người, X, Y, ADN, nhiễm sắc thể gì đó, tôi hoàn toàn mù tịt. 

Chỉ cần nhắc đến nó thôi, não tôi cứ bị quay quay như người động kinh bởi trong đầu tôi, cái tuần hoàn máu hình buồng trứng cứ rung như con lắc lò xo và tiếng cười ngả nghiêng thuở nọ. 

Cho đến bây giờ cảm giác đó không thay đổi. Tôi vẫn luôn tránh xa những kiến thức đó, thậm chí còn cảm thấy sợ hãi mà không thể giải thích được. Cái cảm giác mất mát một giấc mơ thật, rất đau đớn.

Tôi cũng đã từng thử lại 1 lần trong đời. Đó là khi phải học lại ở Trường ĐH Xây dựng, tôi đã định nối lại giấc mơ đó, thi sang trường Y. Nhưng thật tiếc, tôi đã không thể vượt qua được nỗi sợ hãi mỗi khi nhìn vào bìa sách Sinh vật. 

Dũng Lê

Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi».

Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. 

Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. 

Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, thì vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. 

Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietNamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?".

Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: [email protected].

Xin cảm ơn!