Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải xây dựng được một xã hội mà ở đó lòng tin được đề cao. Nó đòi hỏi sự minh bạch của pháp luật, của thị trường, sự tin cậy của hệ thống tài chính và một cơ chế quy trách nhiệm cá nhân cụ thể.

LTS: Xung quanh vấn đề bỏ hay không bỏ con dấu trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới đây, Tuần Việt Nam chúng tôi vừa nhận được bài viết của một giảng viên ĐH Ngoại thương bàn về chủ đề này. Để rộng đường dư luận, bảo đảm tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết dưới đây.

Gần đây, một thay đổi nhỏ mà không nhỏ trong Luật Doanh nghiệp đã khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực. Nhiều báo đăng lên rồi gỡ xuống để chỉnh sửa vì hiểu chưa đúng tinh thần của luật. Đó là việc bỏ hay không bỏ con dấu.

"Văn hóa con dấu" đang đè nặng...

Rốt cuộc, các nhà làm luật cũng lý giải rõ: Không có chuyện bỏ hẳn việc sử dụng con dấu, mà trong lần sửa đổi này, Luật Doanh nghiệp mới chỉ thay đổi quy định về con dấu, trao quyền tự quyết về nội dung và hình thức cho doanh nghiệp. [1]

Ở nước ta, chuyện gì cũng phải có lộ trình, ấy là điều đương nhiên. Rất hiếm khi có thứ gì được thay đổi nhanh chóng, mà đa phần những thứ thay đổi nhanh chóng thì lại... rối tinh rối mù. Thế nên người viết không lạm bàn về chuyện nên bỏ dần hay bỏ hẳn, mà chỉ muốn nói về "văn hóa con dấu" đã và đang đè nặng lên tất cả chúng ta.

Có lẽ con dấu theo những gì được quy định hiện hành vốn đơn giản là một vật có ý nghĩa pháp lý. Các cơ quan, doanh nghiệp sẽ được cấp con dấu được cấp khi thành lập và hủy khi cơ quan, doanh nghiệp đó chấm dứt hoạt động. Do đó, con dấu giống như một sự xác thực của nhà nước đối với sự tồn tại hợp pháp của chủ thể có tên trên đó.

Trên thực tế, gần như người ta đóng dấu vào mọi nơi, mọi chỗ có thể. Đã bao giờ bạn gặp phải tình huống éo le khi ảnh chân dung vừa mới chụp và in ra, còn người thật thì cầm hồ sơ giấy tờ có dán ảnh đó trên tay. Người và ảnh xuất hiện ngay cùng một lúc. Nhưng vẫn không hợp lệ vì thiếu dấu đóng trên ảnh. Có con dấu thì thậm chí không cần đối chiếu ảnh. Người ta tin con dấu chứ không tin người thật việc thật.

Hay nếu bạn nhìn vào một tài liệu được sao y bản chính mới thấy ngợp vì nhiều dấu đỏ thế. Nào là dấu chữ nhật ghi "xác nhận sao y đúng bản chính", nào là dấu của cơ quan, nào là dấu chức danh của người có thẩm quyền. Tất cả chỉ để xác nhận một sự hiển nhiên là tờ giấy mỏng manh ấy giống hệt bản gốc.

Không chỉ riêng cơ quan nhà nước, mà doanh nghiệp cũng không khá hơn trong ứng xử với con dấu. Từ hợp đồng lớn cho đến văn bản nội bộ đều phải đóng dấu. Cho nên giao dịch với đối tác nước ngoài mà phía bên kia không có con dấu, không ít doanh nghiệp Việt Nam lo sợ.

Khỏi cần phải nói thêm, chúng ta đều hiểu ở ta dấu đỏ quan trọng đến thế nào. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu của nền hành chính và nền kinh tế. Người viết gọi đây là "văn hóa con dấu" bởi vì ai cũng đã quen và chấp nhận nó, không ai thấy bất thường mà đều thấy rằng mọi sự phải là như như vậy. Cho nên khi đến những quốc gia nơi chỉ đòi hỏi bản sao giản dị, không một con dấu nào trên đó, không ít người Việt sẽ cảm thấy... ngỡ ngàng.

{keywords}

Gần như người ta đóng dấu vào mọi nơi, mọi chỗ có thể. Ảnh minh họa

Vấn đề cốt lõi

Rõ ràng, trong rất nhiều trường hợp việc sử dụng con dấu là không cần thiết. Chính sự không cần thiết đó khiến cho việc sử dụng con dấu nhiều khi tách khỏi ý nghĩa pháp lý nó đem lại mà chủ yếu nằm ở giá trị tâm lý của nó đối với người sử dụng.

Tâm lý đó là tâm lý gì? Hãy hỏi một cô văn thư tại sao một tài liệu có nhiều trang thì lại phải xòe các trang ra, "triện" vào đó một con dấu. Cô ấy sẽ nói cho bạn rằng để tránh có người rút ruột, đổi lõi tài liệu đó nếu như nó chỉ có dấu ở trang cuối. Nhưng có bao giờ bạn đặt câu hỏi khả năng xảy ra chuyện ly kỳ đó là bao nhiêu phần trăm và liệu con dấu có chống được chuyện gian lận đó?

Đương nhiên, tin tưởng tất cả và hoài nghi tất cả đều có mặt trái, và không ai phủ nhận rằng sự hoài nghi ở một mức độ nào đó sẽ là thận trọng, khôn ngoan. Thế nhưng một xã hội nơi chẳng ai tin ai, mà chỉ chăm chăm soi vào con dấu, dùng con dấu để thay thế cho sự xác tín giữa người với người thì đó là dấu hiệu gì?

Các nhà kinh tế đã chứng minh được rằng lòng tin tỷ lệ thuận với chi phí tiến hành giao dịch. Khi người ta tin tưởng nhau các giao dịch sẽ được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn, tiết kiệm cả chi phí và tiền bạc cho các bên. Ngược lại, khi người ta không tin nhau, chi phí giao dịch sẽ tăng lên bởi vì một phần của chi phí giao dịch khi đó sẽ phải để bù đắp cho khoảng trống về niềm tin. Đơn cử như việc thanh toán giữa các doanh nghiệp, những phương thức thanh toán an toàn nhất thực chất là những phương thức để ràng buộc nhau, đề phòng sự lường gạt.

Chính vì thế lòng tin có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển của nền kinh tế. Và văn hóa con dấu, phải chăng góp phần lý giải cho một nền kinh tế ì ạch và một nền hành chính quan liêu, nơi người ta giao dịch với nhau nhưng chỉ canh cánh việc bị lừa. Nếu xã hội chỉ lo đối phó với chuyện bị lừa nhưng lại có quá ít nỗ lực tăng uy tín và tạo niềm tin thì sẽ phát triển ra sao?

Cũng xin nói thêm rằng khi con dấu không còn nữa thì vấn đề chữ ký hẳn sẽ được đặt ra. Nhưng vấn đề chưa chắc sẽ tốt hơn lên. Ai đã làm trong lĩnh vực giáo dục, đôi khi sẽ thấy rằng ngoài con dấu, chúng ta cũng hay lạm dụng chữ ký. Một tờ danh sách thi có khi chỉ có 01 thí sinh mà trên đó có thể gánh thêm 05, 06 chữ ký của ít nhất là 02 giám thị, 02 người chấm, 01 tổ trưởng.

Xét đến cùng thì tất cả những chữ ký đó có làm thực sự phát huy tác dụng? Và ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong những trường hợp có vấn đề phát sinh? Là tất cả nhưng cũng có thể... chẳng là ai cả. Và với tâm lý 'cần nhiều chữ ký mới đủ tin cậy' đó, liệu tự chủ con dấu có phát huy được hết tác dụng?

Cho nên cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải xây dựng được một xã hội mà ở đó lòng tin được đề cao. Nó đòi hỏi sự minh bạch của pháp luật, của thị trường, sự tin cậy của hệ thống tài chính và một cơ chế quy trách nhiệm cá nhân cụ thể. Và vì thế sửa Luật Doanh nghiệp là một bước tiến đầu tiên, hy vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực được xã hội đón nhận.

Khương Duy (Giảng viên Đại học Ngoại thương)

----

[1] Chưa bỏ được con dấu doanh nghiệp, Thanh niên, 28/11/2014.