Như VietNamNet đưa tin, ngày 22/5 tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm để xét đơn kháng cáo của một số bị cáo và bên liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Đáng chú ý, 4 anh, chị ruột của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) có đơn kháng cáo cho bị cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trong đơn kháng cáo, 4 anh, chị ruột của bà Nhàn trình bày: “Em gái chúng tôi có đưa hối lộ hay không thì chỉ em ấy biết. Việc sử dụng lời khai của người khác để buộc tội em gái chúng tôi mà không có những chứng cứ khác, trong khi không có mặt em gái chúng tôi để lấy lời khai và đối chất làm rõ là không đảm bảo các quy định của pháp luật.
Chúng tôi giả sử trường hợp ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai lại rằng, thực tế không có việc nhận tiền từ em gái tôi thì rõ ràng em gái chúng tôi không có tội đưa hối lộ. Do đó chỉ dùng lời khai của bị cáo Thành, Thái làm căn cứ buộc tội là oan ức cho em gái chúng tôi”.
Luật sư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Trước đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14 năm tù về tội Đưa hối lộ và 16 năm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt là 30 năm tù cho 2 tội danh.
Trong số 36 bị cáo, có 15 người có đơn kháng cáo. Ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) không kháng cáo. Ngoài ra, bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai) dù có kháng cáo nhưng đã rút đơn trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm.
Như vậy, trong số các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị truy tố trong vụ án này, chỉ còn bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) là có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ hầu như đồng tình với mọi cáo buộc của cơ quan công tố. Bị cáo cho biết chỉ có chút băn khoăn về tội danh “Nhận hối lộ” vì cho rằng bản thân không trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc với AIC, không đòi hỏi AIC phải chi tiền cho mình.
Việc AIC “lại quả” cho bị cáo là sau khi dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như là lời cảm ơn từ AIC. Tuy nhiên bị cáo cũng nhận thức được việc nhận tiền là không đúng nên quá trình điều tra, bị cáo đã yêu cầu gia đình nộp lại toàn bộ số tiền nhận từ AIC để khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư của bị cáo Phan Huy Anh Vũ đã cung cấp cho HĐXX đơn cứu xét cho bị cáo Vũ, trong đó có chữ ký của hàng ngàn người là cán bộ nhân viên y tế cũng như của bệnh nhân và người dân Đồng Nai, để chứng minh bị cáo có nhiều đóng góp, cống hiến cho nền y học của tỉnh.
Trong số các bị cáo có đơn kháng cáo, ông Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) trực tiếp gửi đơn kháng cáo từ Mỹ về.
Ngày 19/4, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã trả lời thắc mắc của báo chí liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty AIC. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết, đến nay chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào do địa phương chuyển lên có liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Theo quyết định truy nã, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thường trú tại căn hộ 1102, chung cư Pacific Place, số 83B phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |