Tục cúng rằm tháng 6
Mỗi năm cứ đến ngày 15 tháng 6 âm lịch, những bản làng người Thái thuộc xã Yên Khê, Chi Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) lại trở nên tấp nập như lễ hội.
Các gia đình đều mổ gà, lợn, đồ xôi, làm những món ăn truyền thống tạo nên mâm cơm tập trung về ngôi đền cúng tổ tiên. Dịp này, nhiều con em đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sum họp với gia đình. Các bản Thái gọi đó là tục cúng rằm tháng 6.
Ông Lương Mạnh Hùng (SN 1965, trú bản Tờ, xã Yên Khê) chia sẻ, trong ngày làm lễ, mỗi người đều dậy thật sớm chuẩn bị đồ xôi, luộc gà, mọc... Đối với những họ đông người, các khâu chuẩn bị đều làm từ hôm trước. Mỗi gia đình thường cúng xong ở nhà mình mới kéo đến đền thờ dòng họ.
“Mâm cúng trong ngày rằm tháng 6 thường có lợn, gà, rượu, trầu cau, nước chè xanh và một món bản địa gọi là ‘mọc’.
Mọc được làm từ thịt lợn, gà hoặc cá băm nhỏ rồi đem trộn với những thứ gia vị như sả, ớt, mắm, muối và gạo đã ngâm kỹ, đem gói trong lá dong hoặc lá chuối rồi hấp chín. Món này không thể thiếu trong lễ cúng rằm của một số dòng họ ở địa phương”, ông Hùng cho hay.
Người Thái ở huyện miền núi Con Cuông cũng như cộng đồng người Thái nói chung gọi không gian thờ cúng tổ tiên của dòng họ là đền thờ. Về mặt tâm linh, nó tương tự đền thờ họ của cộng đồng người Kinh và nhiều dân tộc khác.
Đối với người Thái ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong lại không có đền thờ dòng họ mà chỉ có đền thờ bản.
Kết mối thân tình
Đền thờ của người Thái thường có kết cấu đơn giản. Phía trong cùng ngôi đền đặt hương, mâm cúng. Phía trước bục để mâm cúng chính là không gian để đặt thêm các mâm cúng khác, cũng là nơi để các thành viên trong dòng họ làm lễ, phía trước ngôi đền thường là sân đền.
Trong ngày rằm, những người đi lễ thường tụ tập tại đền ăn uống hoặc về nhà trưởng họ sau lễ cúng dự bữa cơm chung. Ngày nay, nhiều dòng họ người Thái ở các bản vùng cao đã chú trọng việc xây cất những ngôi đền khang trang hơn làm không gian để thờ phụng tổ tiên.
Trong lễ cúng đền, thầy mo sẽ là người thực hiện nghi thức cúng bái. Sau khi mỗi gia đình thuộc nội tộc đặt mâm cúng tổ tiên, thầy mo đọc bài cúng mời ông tổ, người đầu tiên đem con cháu đến lập bản làng, sau đó là những bậc sinh thành của các chi, nhánh, gia đình trong họ đến thụ lộc từ con cháu.
Theo giải thích của các cụ cao niên ở xã Yên Khê, rằm tháng 6 là dịp sum họp gia đình, để họ hàng cố kết mối thân tình. Họ cũng bàn xem đã đến lúc phải bầu trưởng họ hay thay thầy mo hay chưa. Một số dòng họ cũng nhân đây bổ sung thêm nhân khẩu để trưởng họ ghi vào gia phả.
Ông Lê Quốc Hoàng, người nghiên cứu văn hóa Thái cho biết: “Tháng 6 là giữa năm và người Thái cho rằng đây là khoảng thời gian đẹp nhất của năm, đó có thể là nguyên do khiến cộng đồng này chọn cúng vào rằm tháng 6”.
Cũng theo một số người thuộc dòng họ Lương ở xã Yên Khê, việc cúng rằm tháng 6 gắn liền với sự tích xưa của người dân bản. “Dòng họ chúng tôi xưa nay luôn giữ tập tục này. Chúng tôi không bỏ đi tục cũ cũng không thêm những tục mới. Rằm tháng 6 là dịp để anh em, họ hàng sum vầy bên nhau”, ông Lương Văn Quy (72 tuổi, thầy mo ở bản Tờ, xã Yên Khê) chia sẻ.
Những điều nên và không nên làm trong Rằm tháng 7
Món bánh không thể thiếu vào rằm tháng 7 của người Tày - Nùng
“Pẻng tải” (bánh gai) là món bánh quen thuộc không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên của người Tày - Nùng (Lạng Sơn) dịp Rằm tháng Bảy.