Trời Sài Gòn đêm giao thừa trong vắt. Đến hẹn lại lên, đêm nay đúng vào lúc 0g, những chùm hoa trên không trung tỏa ra rực rỡ chào đón mùa xuân mới, mùa xuân của hi vọng vào một tương lai tuơi sáng . . .

Náo nức giao thừa

Trên các nẻo đường dẫn vào trung tâm thành phố, dòng người đổ về càng về khuya càng đông. Những con đường như Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Pasteur, Lê Lai hướng về đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ đông nghẹt người và xe. Trên đường Lê Lợi, đèn hoa rực rỡ. Hình ảnh cặp rồng uốn lượn hai bên đường bên cạnh những chùm hoa lung linh đã tạo cho Sài Gòn một nét riêng ít nơi nào có được.


Lung linh sắc màu


Hàng ngàn người, chục ngàn người đã đứng nghẹt cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây và đường Tôn Đức Thắng háo hức chờ đợi màn bắn pháo hoa chào đón giao thừa.

Khi đồng hồ đếm ngược chỉ đúng 0g, hàng loạt tiếng nổ vang lên. Trên không trung những chùm hoa tỏa sáng. Những tiếng vỗ tay, những lời trầm trồ khen ngợi được nổi lên theo từng loạt hoa trên bầu trời đêm đen kịt.

Giao thừa đã đến. Năm cũ vĩnh viễn khép lại. Người dân Sài Gòn đón chào năm mới bằng những nét vui tuơi và sự phấn khởi tin yêu. Đại lộ Đông Tây nghẹt người xem, những vị trí khác muôn trùng người thưởng lãm. Tất cả đã nói lên được cuộc sống của người dân trong năm qua đã cải thiện rõ rệt. Trong số những người đi xem bắn pháo hoa giao thừa năm nay, chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của nghệ sĩ cải lương Quế Trân và ông Đặng Ngọc Khoa. Quế Trân hiện là đại biểu của HĐND TP và ông Khoa cũng vừa mãn nhiệm. Cả hai đều nở những nụ cười trên môi, rạng rỡ chào mừng năm mới.


Bé và mẹ cùng rạng ngời

Trên đường Nguyễn Huệ, cứ Tết là tổ chức đường hoa. Năm nay cũng không ngoại lệ. Chủ đề đường hoa năm 2012 là “Việt Nam – quê hương tôi” thể hiện những nét văn hóa đặc thù của 3 miền và biển đảo Viet Nam. Dòng người đang hân hoan chăm chú ngắm nhìn những vẻ đẹp trên đường hoa đã phải dừng lại ngước lên trên cao ngất ngây trước những chùm hoa đang tỏa sáng.

Cùng lúc tại công viên văn hóa Gò Vấp, Đầm Sen (Q.11) công viên văn hóa Dân tộc (Q.9), đài tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi) và thị trấn Cần Thạnh (H. Cần Giờ) cũng tổ chức bắn pháo hoa phục vụ bà con. Ở những nơi này cũng đã thu hút được hàng vạn người đến xem.

Đường Nguyễn Tri Phương đọan giới hạn từ Nguyễn Trãi đến Trần Phú đã bị tê liệt hoàn toàn vì rừng người đón xem đoàn lân sư rồng biều diễn theo yêu cầu của chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tràn ngập cả lòng đường. Đúng giao thừa tiếng trống khai cuộc vang lên. Những con rồng, lân, sư tử uốn khúc bay lượn trên cao trước sự tán thưởng của người xem. Trong khi đó, giao thông trên đoạn đường này tắt nghẽn nhưng dường như cái lý do ngày Tết đã khiến mọi người thông cảm vui vẻ tìm hướng khác để đi. Không một tiếng phàn nàn và người xem cũng hết sức trật tự

Dưa ế, hoa tàn

Trước giờ giao thừa, chúng tôi đảo một vòng quanh thành phố. Tại bến Bình Đông (Q.8), đã 21g nhưng chợ hoa xuân chưa tàn. Hàng loạt mai, tắt, cúc, hướng dương vẫn còn ngập tràn bờ kênh. Ghe thương hồ đậu kín dòng kênh. Hoa vẫn còn nhiều và người mua cũng dập dìu. Anh Nguyễn Phước Nguyên, công nhân khu công nghiệp Lê Minh Xuân vừa khệ nệ ôm một chậu tắt ra xe cho biết, 100 ngàn đó. Năm nay thưởng không cao mà vật giá lại lên nên phải đợi đến giờ này mới dám mua hoa về chơi. Bình thường thì chậu tắt này cũng phải đến 400.


Tạo dáng trên đường hoa

Quả thật, một bà chủ ghe thương hồ buồn bã nhìn số hoa tồn đọng của mình than thở: “Phải chở về thôi” . Chúng tôi thắc mắc hỏi bà : “chị chỉ là người mua đi bán lại. Chở về nhà rồi ai chăm sóc số hoa này ?”. Chị cười, nụ cười héo hắt : “Đời chúng tôi lênh đênh trên sông nước. Có năm nào được về nhà đón ông bà vào đúng giao thừa đâu. Năm nay cũng thế, khuya nay dù còn hay hết cũng về để kịp đến nhà vào chiều mồng một. Đến một đoạn sông nào đó có thể là sông Cần Giuộc hay kênh Nước Mặn trút của ế này xuống là xong”.

Những người khách đến với bến Bình Đông ra về với chậu hoa trên xe. Người mua vui ít nhưng người bán vui nhiều hơn vì thu được đồng nào là mừng đồng ấy.

Góc đường Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông, người phụ nữ ăn mặc sang trọng chỉ vào một chậu tắt sum suê được kết thành hình tháp cao nghệu yêu cầu cho bốc lên xe. Một chậu, rồi hai chậu. Bà móc tiền ra trả. Bà cho biết lúc 15g ngang qua đây bà mặc cả 3 triệu một chậu nhưng không bán.


Trên bến Bình Đông

Giờ này cũng với số tiền ấy bà lại được đến 2 chậu.

Số tắt còn tại đây phải trên 10 chậu. Đợi người phụ nữ này đi khỏi, ông chủ hàng tắt nói với chúng tôi: “Giờ đã là 22g. Bán được như thế cũng là may. Bà ấy mua giá đó là tốt rồi chứ nếu bà trả ít hơn nữa cũng phải bán thôi”.

Xuôi theo đường Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi về đường Hậu Giang (Q.6). Hai bên đương la liệt những hàng dưa. Dưa tròn có dài có đổ đống cao như núi.

Giờ giao thừa sắp đến, với những đống dưa to như thế này dù có cho không cũng không thể hết nổi. Vậy mà người bán vẫn cố níu kéo người mua. 20.000đ/trái dưa khoảng 8 kg. Nếu ngày thường muốn mua cũng phải mất 70 – 80 ngàn đồng một trái.



Các quán ăn ngày vào giao thừa vẫn không kịp bán. Khách vào đông hơn ngày thường. Và trong cái nhanh nhạy nắm bắt của người Sài Gòn, những quán bán thức ăn chay cũng vội vã dọn hàng cho kịp giao thừa. Qua mống một dù là lương hay giáo, một số đông người vẫn muốn ăn chay để được sự thanh tịnh trong ngày đầu năm.

Trên đường, những công nhân vệ sinh lầm lũi từng nhát chổi làm sạch thành phố. Họ làm việc mặc cho giao thừa đã đến. Ý niệm về ngày Tết đối với công nhân vệ sinh thật giản dị. Một anh công nhân trẻ cho biết : “Làm sao cho thành phố đẹp, cho mọi người ăn tết vui tươi sạch sẽ là chúng tôi ăn tết đó. . .”

Trần Chánh Nghĩa