
Chị Lan Hương (31 tuổi, trú tại TPHCM) mới đây chia sẻ kết quả siêu âm gan trên cộng đồng những người bị xơ gan. Khi kiểm tra sức khỏe, chị bất ngờ được bác sĩ thông báo gan nhiễm mỡ độ 2. Người phụ nữ này tự nhận mình là người có lối sống tích cực, không uống bia rượu, cao 1m62, nặng 45kg.
Khi lên mạng tìm hiểu về xơ gan, chị Hương lo lắng khi biết bệnh có thể tiến triển sang xơ gan mất bù và gây ung thư gan.
Tương tự, anh N.C.L (29 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng được chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu. Nam bệnh nhân cũng là người "dây", một tháng chỉ uống 1-2 cốc bia.
Khi chăm sóc người nhà đang điều trị tại đây, anh L. tranh thủ kiểm tra sức khỏe vì thấy người mệt mỏi. Bác sĩ chẩn đoán anh bị gan nhiễm mỡ, polyp túi mật... Trên hình ảnh siêu âm, lá gan vàng óng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Nguyễn Thùy An - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ trong gan không liên quan đến việc tiêu thụ rượu bia. Bệnh hay gặp ở người béo phì, tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, người gầy cũng mắc bệnh này.
Tại Việt Nam, gần 30 triệu người bị gan nhiễm mỡ, trong đó 30-35% có nguy cơ tiến triển thành xơ gan. Hiện chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ người gầy mắc bệnh, nhưng thực tế lâm sàng, bác sĩ Thùy An cho biết, đây là một tình trạng không hiếm gặp.
Theo bác sĩ An, khi cơ thể thiếu đường (do ăn uống không đầy đủ hoặc giảm cân quá mức), gan buộc phải sử dụng mỡ thay thế. Lượng mỡ dồn về gan lâu ngày sẽ gây tích tụ và hình thành tổn thương ở cơ quan này.
Ngoài ra, một số người có gene di truyền khiến họ dễ bị rối loạn chuyển hóa mỡ hoặc đường huyết cao làm gan tích mỡ, ở cả những người không thừa cân.
Người gầy nhưng có thói quen tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa, đường, thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng tích tụ mỡ trong gan. Hoặc, những người ăn chay không khoa học hoặc kiêng khem quá mức, ít vận động khiến cơ thể thiếu dưỡng chất cần thiết, gây mất cân bằng trong chuyển hóa mỡ.
Các dấu hiệu của bệnh như mệt mỏi kéo dài, cảm giác nặng nề, khó chịu ở vùng bụng trên bên phải. Nếu không kiểm soát, gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu gây xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan.
Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho bệnh gan nhiễm mỡ, các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm ảnh hưởng của các triệu chứng đến sinh hoạt hằng ngày, đồng thời ngăn cho bệnh không tiến triển nghiêm trọng.
Vì vậy, bác sĩ An khuyến cáo kể cả người có vóc dáng gầy hay dư cân đều phải bảo vệ gan bằng chế độ ăn uống lành mạnh. Hằng ngày, mọi người ưu tiên tăng khẩu phần ăn cá, giàu axit omega-3, cung cấp cho cơ thể nhiều protein, ít chất béo, giảm nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, ung thư gan.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, đường, thực phẩm chế biến sẵn, bia rượu... vì thực phẩm này buộc gan phải hoạt động nhiều hơn để chuyển hóa.
Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, duy trì thói quen vận động để hỗ trợ chuyển hóa mỡ hiệu quả hơn.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm đối với người bình thường và ít nhất 2 lần đối với người có bệnh nền để kiểm soát tình trạng sức khỏe một cách toàn diện. Người bệnh bị gan nhiễm mỡ nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo tình trạng bệnh được kiểm soát ở mức an toàn.
