Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 12km, Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (Bản làng Thái Hải) nằm giữa không gian núi đồi và cỏ cây ở xã Thịnh Đức, tỉnh Thái Nguyên.
Ở Bản làng Thái Hải có 30 ngôi nhà sàn với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Đây không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, mà còn nơi tái hiện lại những phong tục tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng...
Với sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, những năm gần đây, Bản làng Thái Hải tạo ra sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Thái Hải cũng trở thành làng du lịch cộng đồng, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên.
Trong bộ trang phục truyền thống bình dị của người Tày, bà Nguyễn Thị Thanh Hải (60 tuổi) hào hứng kể về Bản làng Thái Hải mà mình cùng nhiều đồng bào nỗ lực tạo dựng trong những năm qua.
Bà Hải cho biết, ý tưởng làm du lịch cộng đồng đến với bà từ khoảng 20 năm trước. Người Tày vẫn còn đó nhưng trang phục và những ngôi nhà sàn không còn giữ được hồn cốt như xưa, rất khó để tìm thấy một quần thể bản làng nào còn vẹn nguyên những ngôi nhà sàn, truyền thống văn hóa cũng bị mai một rất nhiều.
Bà mong muốn giữ được những phong tục tập quán của cha ông mình để lại và những sản phẩm đồng quê có thể nuôi sống con cháu mình, theo hướng tự cung tự cấp. Song, bà thừa nhận, cái khó nhất là nhận thức và yếu tố con người.
Có được sự động viên của gia đình và người thân, bà âm thầm làm công việc mà nhiều người nói là “lấy muối bỏ biển”. Bà chắt chiu tài sản cá nhân mình để mua lại những ngôi nhà sàn, sưu tầm hiện vật, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một hoặc thất truyền.
“Có nhiều đêm tôi cùng những người đồng hành phải ngủ lại giữa rừng để hôm sau tiếp tục hành trình tìm đến những ngôi nhà sàn có nguy cơ bị dỡ bỏ để sưu tầm lại đem về. Lúc hết tiền, tôi phải đổi cho bà con bằng gạo, bằng chăn màn, đồ dùng thiết yếu rồi xin giữ lại những gì bà con đang muốn bỏ đi”, bà nhớ lại.
Ban đầu có một vài người, sau một vài nhà và dần dần được cả một làng với tên gọi Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Ở đây có 4 dân tộc anh em nhưng cùng đồng lòng làm bảo tồn văn hóa Tày ngay tại vùng đất nghèo ngoại ô thành phố Thái Nguyên.
Đây là ngôi nhà chung của hơn 150 người thuộc các dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Chay, Kinh,... Mọi hoạt động đều mang tính tự cung, tự cấp. Họ tự bảo tồn trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng quy trình đặc trưng của dân tộc Tày nhằm duy trì nguồn thực phẩm sạch và không gây tác động đến môi trường.
Bản làng đã tạo dựng được quần thể với 30 ngôi nhà sàn, phục dựng gần như nguyên bản từ những cốt nhà cũ ở vùng An toàn khu Định Hóa, có cả cộng đồng sinh sống trong sắc áo chàm, nghề truyền thống, lễ hội, các trò chơi dân gian, có những gia đình với 4 thế hệ cùng sinh sống.
Bà Hải cho biết, thời gian đầu, bà con phải đào nền nhà bằng tay, tất cả mọi việc đều làm thủ công do máy móc không vào được để hỗ trợ cho việc dựng nhà. Bà con cũng tự chăn nuôi gia súc, gia cầm để làm thực phẩm, tự trồng cây keo để cải tạo đất, đào hố trên đồi…
Từ mục đích ban đầu xây dựng làng với mong muốn bảo tồn giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa nhà sàn của dân tộc Tày, đến năm 2011, Bản làng Thái Hải chính thức đi vào hoạt động du lịch. Hiện nay, bản làng trở thành điểm đến thú vị đối với du khách trong nước và gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; có năng lực tiếp đón và phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ cùng lúc hơn 1.200 khách.
Vài năm trở lại đây, ẩm thực Bản làng Thái Hải luôn lọt vào top nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, cuối năm 2017, còn được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cấp Bằng Bảo trợ cho Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải “Là công trình có giá trị bảo tồn Văn hóa truyền thống và giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc”.
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cũng đã 4 lần được vinh dự đón nhận giải thưởng Du lịch ASEAN. “Khi bắt đầu làm, tôi không nghĩ mô hình có thể thành công như hiện tại”, bà thừa nhận.
Theo bà Hải, ở Việt Nam có rất nhiều dân tộc với những bản sắc riêng, bốn mùa đều có cây trái đặc sản. Thế nên, nếu có sự đồng lòng, có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì sẽ thêm nhiều ngôi làng du lịch cộng đồng thành công, người dân cũng có thể sinh sống, yêu thương và bao bọc lẫn nhau trên mảnh đất quê hương mình.