Quyết tâm theo đuổi ước mơ
Chị Nguyễn Thị Nhung (tên thường gọi Nguyễn Thị Cẩm Nhung, sinh năm 1982) sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Căn bệnh viêm tủy cột sống đã khiến chị bị liệt từ năm 6 tuổi. Từ đó, cuộc sống của chị luôn gắn liền với chiếc xe lăn.
Cha mẹ chị Nhung đều là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau khi phục viên, họ về làm nông nghiệp. Dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn nỗ lực chữa bệnh cho chị. Cứ nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là cha mẹ chị tìm đến để chạy chữa cho con. Nhưng sau hơn 10 năm chữa trị, họ cũng đành bất lực chấp nhận chị là người khuyết tật.
Khó khăn lớn nhất thời thơ ấu của chị Nhung là học cách chấp nhận khiếm khuyết của bản thân và đối mặt với những cái nhìn soi mói từ người đời. Những năm tháng đó, chị chìm trong đau khổ, bế tắc và tuyệt vọng.
Dù khó khăn, vất vả nhưng chị Nhung vẫn khao khát được đi học như một cách để tìm niềm vui sống và phát triển bản thân.
Ban đầu, gia đình chị phản đối vì lo ngại việc học sẽ khiến chị, là người khuyết tật nặng, gặp nhiều khó khăn và không có tương lai. Nhưng chị Nhung vẫn quyết tâm. Chị tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, góp nhặt kiến thức từ khắp nơi.
Lên cấp 3, đọc được thông tin tuyển sinh về khoá học công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật trên báo, chị Nhung quyết định rời Nghệ An lên Hà Nội để học tập và theo đuổi ước mơ.
Chị nhận ra bản thân muốn bứt phá và sống hết mình. Chị mong được phát triển bản thân, muốn được học tiếp những kiến thức trong nhà trường, những kỹ năng ngoài xã hội.
Nhưng quyết định ra Hà Nội học khiến gia đình chị vô cùng lo lắng bởi một người khuyết tật nặng như chị sẽ rất khó khăn khi đi học xa nhà.
Chị Nhung hiểu điều đó nhưng vẫn quyết tâm đi, với suy nghĩ đơn giản là tìm cho mình một cái nghề để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Lần đầu đặt chân đến Hà Nội, chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng ý chí kiên cường và với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, chị đã dần ổn định cuộc sống.
Chị vừa đi học vừa nhận việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Ngày đi học, tối về chị tranh thủ làm hoa giả, làm hộp giấy, gấp bì thư, thùa khuy... việc gì làm được là chị làm, miễn có tiền để theo học.
Ý tưởng tái chế bảo vệ môi trường
Ra trường, chị Nhung về quê nhưng không xin được việc làm. Chị trở ra Hà Nội, tham gia vào các hoạt động của người khuyết tật. Chị tham gia đội văn nghệ, đội làm hoa voan, hoa tái chế từ rác thải nhựa...
Chị tâm sự, vì bị khuyết tật nên từ nhỏ chị đã mày mò làm các sản phẩm thủ công để chơi. Dần dần, chị hình thành thói quen tái sử dụng, tái chế quần áo cũ, đã lỗi mốt thành đồ dùng hữu ích.
Công việc này chẳng những giúp chị bớt đi những khoản chi tiêu vào việc mua sắm quần áo mà còn đem lại cho chị niềm vui.
Ở Hà Nội, chị Nhung có cơ duyên tham gia Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, Ngôi nhà Móc. Chị và những người bạn đã thực hiện dự án quyên góp đồ cũ. Từ những bộ đồ cũ, các thành viên trong câu lạc bộ đã có sáng kiến tái chế chúng thành sản phẩm có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao, vừa giảm rác thải, bảo vệ môi trường vừa tạo thu nhập và niềm vui cho người khuyết tật.
Thời gian này, chị đẩy mạnh các hoạt động về bảo vệ môi trường. Để truyền thông tích cực ra cộng đồng, chị đã tham gia vẽ tranh, chụp ảnh, viết báo, làm hoa, làm phim về bảo vệ môi trường. Hiểu rõ tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, chị thu gom len và vải vụn để tái chế thành những sản phẩm có giá trị.
Nhưng số phận vẫn chưa hết thử thách với chị. Tháng 8/2022, chị Nhung phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 3 đã di căn. Đầu năm 2023, mẹ chị Nhung cũng phát hiện ung thư vú giai đoạn 3.
Chị Nhung tâm sự khi nằm trong bệnh viện, chị được biết rất nhiều người bị bệnh ung thư liên quan môi trường bị ô nhiễm.
Từ đó, chị lập ra dự án "Chạm Sáng Tạo Xanh" để kêu gọi mọi người quan tâm đến môi trường, đặc biệt là về rác thải nhựa, là một trong những tác nhân gây ra nhiều bệnh tật cho con người, trong đó có bệnh ung thư.
Hiện chị Nhung điều trị tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Dù sức khỏe chưa tốt nhưng chị vẫn cố gắng cùng các chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật quận Hà Đông xây dựng và phát triển mô hình làm đồ thủ công tái chế với sợi cotton, len thu hồi và vải vụn tận dụng, để tạo ra những sản phẩm tái chế có giá trị, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Chị mong mọi người có thể chung tay bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, như nói không với sử dụng túi nilon khi đi chợ mua đồ, gom nhặt những chai nước sau khi sử dụng để tái chế thành những vật dụng hữu ích.
Giờ đây, mong muốn của chị là có tiền để duy trì chữa bệnh và tiếp để tục phát triển dự án làm hoa tái chế bảo vệ môi trường.