Công việc nhạy cảm
Theo trang Toutiao, Nie Jiyan (chưa tới 40 tuổi) có hơn 3 năm làm công việc tắm rửa cho người già. Khi mới làm công việc này, cô hoàn toàn không nghiêm túc. Thế nhưng, sau khi gặp một cụ ông, suy nghĩ của cô đã hoàn toàn thay đổi.
Trước khi làm việc này, Nie Jiyan từng là chủ của một công ty du lịch. Dịch Covid-19 khiến công ty của cô phá sản. Lúc này, cô tình cờ biết được công việc tắm rửa cho người già, với mức lương khởi điểm là 15.000 Nhân dân tệ (khoảng 53 triệu đồng).
Khách hàng chủ yếu là người bệnh, người già, người khuyết tật. Tuy nhiên, nhân viên tắm rửa phải đáp ứng được các yêu cầu cao về năng lực cá nhân như phải có bằng cấp y tá, bằng lái xe. Phụ nữ cần có thể lực tốt, chiều cao trên 1m65.
Nie Jiyan đáp ứng được mọi yêu cầu và nhanh chóng được nhận vào làm. Sau đó, cô trải qua 2 tháng huấn luyện nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ngày đầu tiên đi làm, cô suýt phá vỡ các quy định về công việc. Khi bước vào nhà của khách hàng, cô bị sốc khi thấy mọi thứ đổ nát, ngập mùi hôi thối. Cô choáng khi thấy khách hàng là một ông già chỉ còn da bọc xương.
Vì bị bệnh nặng và mất khả năng di chuyển nên ông lão phải đi vệ sinh trên giường. Cảnh tượng ấy khiến cô hoàn toàn suy sụp. Cô không tránh được sự ngượng ngùng và lúng túng khi tắm cho ông.
May mắn thay, sau đó, cô đã kịp thời điều chỉnh tâm lý của mình và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ. Dẫu vậy trong những lần phục vụ khách hàng tiếp theo, sự phản kháng trong cơ thể cô vẫn còn rất mạnh mẽ.
Trong một lần phục vụ khách hàng vào năm 2020, nhận thức của cô đã thay đổi.
Đằng sau ý nghĩa công việc này
Khách hàng lần đó của Nie Jiyan là một cụ ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Do trải qua nhiều đợt hóa trị và xạ trị nên cơ thể của ông rất yếu, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm nếu không cẩn thận.
Người bệnh trong hoàn cảnh này về cơ bản không thích hợp để tắm. Mọi người đều biết rõ như vậy, nhưng con cái của cụ ông vẫn nài nỉ. Không còn cách nào khác, Nie Jiyan đành ký một bản thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với gia đình cụ ông.
Nie Jiyan sử dụng một chiếc bồn tắm gấp chuyên dụng, sau đó đeo găng tay vô trùng. Đồ vệ sinh cá nhân cũng được thiết kế riêng để đảm bảo không gây hại cho người già.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, Nie Jiyan cùng đồng nghiệp bế cụ ông vào bồn, đắp khăn tắm lên người. Mọi người nhanh chóng tắm rửa cho cụ ông, động tác nhẹ nhàng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, cụ ông được lau khô cơ thể và bế trở lại giường.
Chưa kịp thở phào, thì bất ngờ cụ ông cảm thấy khó thở rồi ra đi đột ngột. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nie Jiyan lo sợ mình sẽ bị người nhà khách hàng kiện tụng. Thế nhưng, gia đình cụ ông không trách móc mà còn tỏ ra biết ơn phía dịch vụ.
Một người trong gia đình cho hay: “Bác sĩ nói thời gian của ông ấy không còn nhiều nữa. Cả đời ông ấy yêu thích sự sạch sẽ, chúng tôi không thể để ông ấy ra đi khi cơ thể chưa được sạch. May mắn là mọi thứ đã kịp lúc. Cảm ơn mọi người rất nhiều”.
Người nhà nắm tay ông cụ nghẹn ngào, bày tỏ sự biết ơn. Vào lúc đó, Nie Jiyan đột nhiên hiểu ra được ý nghĩa công việc của mình.
Mong ước cuối đời của người già
Khi cơ thể của người già không thể di chuyển, việc tắm rửa sạch sẽ trở thành một điều xa xỉ với họ. Những gì người làm dịch vụ tắm rửa mang tới cho người già không chỉ là sự thoải mái về thể chất, mà còn giúp họ trút được gánh nặng tâm lý.
Từ sau lần đó, Nie Jiyan không còn cảm thấy khó xử khi làm việc nữa. Cô mong những giây phút cuối đời của người già cảm thấy được quan tâm, chăm sóc.
Ngày càng có nhiều người muốn tham gia nhóm của cô. Tới nay, cô đã làm việc trong lĩnh vực này hơn 3 năm và trở thành trụ cột của cả nhóm. Trong những năm qua, cô đã tắm rửa cho hơn 500 người già.
Một khách hàng của Nie Jiyan là phụ nữ. Bà bị liệt, suốt 11 năm không được tắm, thậm chí còn quên cảm giác tắm là như thế nào. Lúc cơ thể chạm vào nước, bà không khỏi run rẩy, không phải vì sợ hãi mà vì phấn khích.
Nie Jiyan cũng từng gặp phải tình huống một ông lão đột nhiên đi tiểu không tự chủ và nước chuyển sang màu vàng. Cô không hề cảm thấy khó chịu. Cô giữ được trạng thái bình tĩnh, nhanh chóng lau sạch cho ông lão rồi tắm lại một lần nữa.
Cô biết rằng mỗi người lớn tuổi đều có một hoàn cảnh riêng. Khi già đi, người ta cần được giúp đỡ, nên cô luôn đối xử với họ bằng tất cả sự tôn trọng. Dù công việc mệt mỏi đến đâu hay có những yêu cầu khắt khe thế nào, cô vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.