Giáo sư Dương Thị Thoa hay còn gọi là Lê Thi (SN 1926), nguyên Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam (Ủy ban Khoa học xã hội - Nhân văn Quốc gia).

Ít ai biết, bà là người kéo lá cờ đỏ sao vàng tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trong ngày 2/9/1945.

Ông Dương Tự Minh - em trai Giáo sư Dương Thị Thoa thông tin, bà vừa qua đời tại nhà riêng 62 Ngô Quyền (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày 28/8, hưởng thọ 95 tuổi.

Anh Lê Minh Quốc - con trai cả Giáo sư Thoa đã thay mặt gia đình thông báo tin buồn này đến bạn bè, người thân và các cơ quan đoàn thể. 

Đám tang Giáo sư Dương Thị Thoa được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ 9h30 đến 10h45 thứ Ba ngày 1/9/2020. Sau đó thi hài bà được điện táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội) và đưa về an táng tại nghĩa trang xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội).

{keywords}
Giáo sư Dương Thị Thoa thời trẻ.

Giáo sư Dương Thị Thoa sinh ra trong gia đình trí thức. Cha của bà là Liệt sĩ/Giáo sư Dương Quảng Hàm - một trí thức nổi tiếng, thầy dạy Văn học và Lịch sử ở trường Bưởi.

Thời trẻ, bà theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương).

Năm 1942, bà cùng một số người bạn cùng chí hướng cầm trong tay tờ báo “Cứu quốc”. Từ đây, lý tưởng cách mạng được nhen nhóm trong bà - khi ấy mới là cô gái đôi mươi.

{keywords}
Đại gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Vợ chồng Giáo sư Dương Quảng Hàm từng mong muốn con theo nghề giáo, nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, bà trốn nhà, tham gia hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Hơn một tháng sau, Giáo sư Dương Thị Thoa mới về nhà báo cáo cha mẹ việc mình tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1945, bà hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ Cứu quốc với bí danh Lê Thi.

Sinh thời, Giáo sư Dương Thị Thoa từng giải thích, bà thích họ Lê của vua Lê Lợi nên tự lấy họ Lê đặt cho mình, còn Thi là tên người bạn thân của bà.

Ông Dương Tự Minh - em trai Giáo sư Dương Thị Thoa kể về chuyện chị gái vinh dự được kéo lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.

Theo lời ông, năm đó, Giáo sư Dương Thị Thoa trong đoàn Phụ nữ Cứu quốc hòa vào hàng vạn người dân, kéo về quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Khi Bác Hồ chuẩn bị bước lên lễ đài, một đồng chí cán bộ tìm đến Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và đề nghị Đoàn cử 1 người lên kéo cờ. Mọi người bất ngờ đồng thanh hô to “Lê Thi lên đi, Lê Thi lên đi”.

Giáo sư Dương Thị Thoa đĩnh đạc tiến về phía lá cờ, lúc đó có một cô gái Tày đứng đợi sẵn. Mặc dù hơi run nhưng bà cũng kịp phân công công việc: "Chị nâng cờ, để em kéo cờ nhé".

Mấy chục năm sau, Giáo sư Dương Thị Thoa mới biết, người cùng kéo cờ với mình là bà Đàm Thị Loan - vợ đại tướng Hoàng Văn Thái.

{keywords}
Giáo sư Dương Thị Thoa (ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tấn Vinh chụp cách đây 4 năm).

Hai người phụ nữ trong tà áo dài, đôi mắt tràn đầy hạnh phúc từ từ kéo lá cờ trong tiếng nhạc Tiến quân ca ngân vang.

Tiếng nhạc kết thúc cũng là lúc Bác Hồ bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong ánh nắng rực rỡ.

Cũng trong năm 1945, Giáo sư Dương thị Thoa cùng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc đi khắp nơi quyên góp gạo và nhu yếu phẩm phân phát cho người nghèo, dạy chữ quốc ngữ cho công nhân.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra vào năm 1946, bà tham gia vào đội cảm tử quân thuộc Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội.

Sau đó bà rút khỏi nội thành, lên chiến khu Việt Bắc làm cán bộ phụ nữ. Mặc dù là con gái Hà Nội, được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ nhưng Giáo sư Dương Thị Thoa vẫn chịu đựng được đói khổ, mặc bộ quần áo nâu trèo đèo, lội suối làm công tác dân vận.

Năm 1950, bà về Hà Nội hoạt động bí mật. Năm 1957 bà đi học lớp chính trị cao cấp đầu tiên tại Trường Nguyễn Ái Quốc rồi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu. Bà làm Viện trưởng Viện Triết học nhiều năm trước khi về hưu.

Bà Dương Thị Thoa còn bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học về bình đẳng giới. Tổ chức các chương trình thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia. Bà vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba. 

Về cuộc sống riêng, chồng bà là ông Lê Hồng Hà. Hai người từng có duyên chạm mặt trong ngày 2/9/1945. Khi đó, ông Hà là người vác súng, đứng bảo vệ dưới chân cột cờ. Thế nhưng, mãi sau này họ mới gặp gỡ, nảy sinh tình cảm và xây dựng mái ấm riêng. 

Cuộc hôn nhân của bà chủ buôn vải và hiệu trưởng trường Bưởi

Cuộc hôn nhân của bà chủ buôn vải và hiệu trưởng trường Bưởi

 Đến với nhau nhờ mai mối nhưng vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm đã có cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc.

Diệu Bình