Những vết thương không thể lành…
Chị Thúy lấy chồng năm 19 tuổi. 6 năm đầu của cuộc hôn nhân, chồng chị là một người đàn ông mẫu mực, yêu thương vợ con, hàng ngày chỉ biết ra đồng làm việc rồi về chăm con cái. Khi đó, vì kinh tế gia đình eo hẹp, chị động viên anh tham gia vào nhóm thợ xây ở xóm, còn chị hàng ngày ra chợ bán hoa quả để trang trải cuộc sống.
Kể từ khi ra ngoài làm ăn, anh bắt đầu ham mê cờ bạc và có các mối quan hệ tình cảm bên ngoài. Cuộc sống như địa ngục của chị Thúy bắt đầu từ đó. Mỗi khi về nhà, anh lại chửi bới, đuổi chị đi và đánh đập không ngừng.
“Anh ấy dùng mọi thứ để đánh tôi. Dao cũng có, mũ cối cũng có, búa hay kéo cũng có luôn. Có khi, tôi còn bị anh ném cả chai rượu vào mặt.”, chị Thúy kể.
Cứ thế 20 năm nay, chị phải sống chung với những trận bạo hành và những vết bầm tím dày đặc trên mặt, tay, chân.
“Lần bị thương nặng nhất là vào 10 năm trước. Khi ấy, anh dùng cả chiếc ghế đập vào đầu tôi khiến tôi phải đi cấp cứu. Bác sĩ nói tôi bị giãn sọ não nặng, vết giãn dài bằng cả đốt ngón tay và bệnh này không thể khỏi được”, chị Thúy rưng rưng nhớ lại.
Chị Thuý phải chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm - Ảnh minh hoạ: Thenews
Từ đó tới nay, những cơn đau đầu triền miên do chấn thương ấy vẫn hành hạ chị. Đều đặn hàng tháng, chị phải lên bệnh viện chiếu chụp lại và lấy thuốc. Kinh phí cho mỗi lần như vậy nhiều thì khoảng 2 triệu rưỡi, ít cũng hơn 1 triệu. Chị Thúy phải chắt bóp từng đồng từ việc kinh doanh hoa quả ở chợ, khi thì vay mượn thêm mới có đủ tiền thuốc thang và nuôi hai con ăn học. Từ ngày đổ đốn, anh không phụ giúp chị được đồng nào.
Đã rất nhiều lần, chị nghĩ tới chuyện ly hôn. Nhưng vì muốn cho con một gia đình trọn vẹn, sợ con tổn thương nên chị gắng nín nhịn. Cũng có những đêm, chờ tới khi con ngủ say, chị Thúy định tìm tới cái chết. Nhưng vì thương con, chị lại không làm được.
Chị bảo, đến bây giờ, tình yêu cũng không còn nữa. Chị chỉ gắng sống vì con.
Từ nạn nhân nhân bị bạo lực thành người truyền cảm hứng
3 năm trước, chị Thúy tình cờ biết đến và tham gia vào CSAGA, tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền của nhóm phụ nữ bị phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới. Kể từ đó, chị đã tự tìm cho mình những cách riêng để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực từ người chồng.
Chị đem giấu hết những vật dụng trong nhà có thể gây thương tích cho mình, để ý những đường đi có thể chạy thoát nếu bị đánh hay chuẩn bị chìa khóa dự phòng, tránh việc bị nhốt. Mỗi khi thấy anh có dấu hiệu khác thường, chị lảng đi nơi khác để anh không có cơ hội đánh đập. Đặc biệt, chị đã mở lòng hơn, tâm sự với con, nhờ công an địa phương can thiệp để phòng tránh bạo lực chứ không im lặng chịu đựng như trước đây nữa.
Nhờ những biện pháp như vậy, gần 1 năm nay, tình trạng bị chồng bạo hành đã gần như không còn xảy ra với chị Thúy.
Chị tìm cách tự bảo vệ mình trước những đòn roi từ bạn đời - Ảnh minh hoạ: usnews
Thoát khỏi địa ngục 20 năm sống trong bạo lực, chị Thúy trở thành người tư vấn, giúp đỡ cho những chị em trong xóm có hoàn cảnh giống mình. Những người phụ nữ tìm đến chị ngày một đông hơn, đủ lứa tuổi, từ người mới lập gia đình, người trung tuổi, thậm chí có cả những người lớn tuổi.
“Có những hoàn cảnh đáng thương lắm, tôi đã khổ rồi mà họ còn khổ hơn tôi. Nghe họ kể chuyện mà tôi cũng khóc theo. Vì cũng trong hoàn cảnh ấy nên tôi hiểu và muốn giúp họ”, chị Thúy tâm sự.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị chia sẻ cho những người phụ nữ đồng cảnh cách phòng tránh bạo lực, thậm chí sẵn sàng chạy tới giúp đỡ trong trường hợp cấp thiết.
“Tôi muốn nhắn gửi tới những người phụ nữ có hoàn cảnh giống tôi là đừng bao giờ nản lòng mà nghĩ đến cái chết. Hãy tìm ra cho mình những cách thức để phòng tránh bạo lực, đừng im lặng chịu đựng mà hãy nhờ cậy tới pháp luật, người thân và cộng đồng. Cứ thế đứng vững và đi tiếp, cuộc sống nhất định sẽ tốt đẹp hơn!”, Chị Thúy chia sẻ.
(*) – Tên nhân vật đã được thay đổi
Liên Nguyễn
Luyện giáo phái lạ chữa bệnh, người phụ nữ Hà Nội phải nhập viện cấp cứu
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim nhưng tin tưởng tập luyện phái giáo lạ sẽ không cần dùng thuốc, không ngờ phải cấp cứu vì đột quỵ.