Những “cánh cửa” khép lại

‘Long lanh như bát nước chè/Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân’ là câu thơ vui chị Đinh Thị Quỳnh Nga (43 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dùng để nói về bản thân mình.

Một sự cố nhỏ từ thời thơ ấu đã khiến chị bị teo liệt 1 bên chân, chân trái ngắn hơn chân phải 3cm. Chị đi lại không được như người bình thường.

“Tuổi thơ của tôi là những ngày buồn”, chị Nga nói về quãng thời gian vừa đi học vừa đi bán hàng phụ giúp gia đình. Nhà chị đông con, bố chị là thương binh, mất sớm, mấy mẹ con chị phải nương tựa vào nhau.

“Tôi cũng xác định ngay từ đầu, với cơ thể khiếm khuyết như vậy, không có học, không kiến thức sẽ rất khổ”, chị nhớ lại.

{keywords}
Chị Quỳnh Nga

Năm 1997, chị Nga thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, khoa Mỹ thuật. Ra trường, năm 2001, chị cầm hồ sơ đi khắp nơi nhưng không xin được việc vì nhiều công ty, doanh nghiệp không muốn mạo hiểm nhận người khuyết tật vào làm. Chị Nga xin đủ các công việc như giáo viên, công nhân… nhưng nhận lại đều là những cái lắc đầu.

“Tôi vào khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn), gõ cửa không biết bao nhiêu công ty, doanh nghiệp nhưng họ chối tôi ngay từ vòng đầu chỉ vì tôi là người khuyết tật.

Nản lắm, mỗi lần như thế tôi chỉ biết quay về, khóc vì tủi thân. Thậm chí, có lần, tôi “cãi cùn”: “Cháu chỉ hơi khuyết tật một tí ở chân, cháu vẫn làm việc được như người bình thường. Mọi người làm như thế nào, cháu sẽ làm được như thế”. Nhưng kết quả vẫn là con số 0”, chị Nga kể.

Sau 3 năm, chị gác hồ sơ lại, bỏ hẳn ý định xin việc và tập trung vào kinh doanh tự do.

{keywords}
HTX Trái tim hồng hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2007, một lần nữa chị quay lại với mong ước tìm một công việc ổn định, đúng chuyên ngành. “Làm kinh doanh khá tự do nhưng vất vả. Tôi tủi thân khi nghĩ mình có bằng cấp sao không xin được việc”, chị nói. 

Đam mê với công việc giảng dạy, chị Nga tiếp tục đến gõ cửa Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sóc Sơn cùng một bức tâm thư. Trong thư, chị bày tỏ ý muốn xin vào dạy tại trường Nuôi dưỡng & Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn để giúp các em có hoàn cảnh như mình.

Theo thông tin từ phòng đào tạo huyện, chị biết về cuộc thi tuyển công chức sắp diễn ra.

“Không quá nhiều hi vọng nhưng tôi vẫn nỗ lực ôn thi. Ngày 1/7/2007, nhận được kết quả đỗ công chức, tôi vỡ òa vì hạnh phúc. Tháng 8 cùng năm, tôi bắt đầu những tháng ngày đứng trên bục giảng”, chị Nga nhớ lại.

Năm 2009, ở huyện Sóc Sơn thành lập hội người khuyết tật. Với những nỗ lực giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chị Nga được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch.

“Tôi đã có việc làm, có thể tự nuôi bản thân nên cũng muốn người khác được như vậy. Bên cạnh đó, tôi nhận ra nhiều người khuyết tật khác cũng có khả năng làm việc. Không có bằng cấp, họ có thể làm các việc chân tay”, chị nói.

Vì vậy năm 2015, chị Nga thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, tạo việc làm cho người khuyết tật. HTX có 6 ngành nghề kinh doanh, dịch vụ (làm hạt gỗ hương, in ấn, phục vụ cà phê giải khát, may công nghiệp…) và có hỗ trợ chỗ ăn, ở cho các nữ công nhân khuyết tật ở xa.

“Người khuyết tật thì làm được gì?”

“Nhiều trường hợp, tôi phải đến tận nhà vận động tham gia HTX. Không chỉ người khuyết tật, gia đình của họ cũng không tin rằng người khuyết tật có thể lao động, có thể có công ăn việc làm. Nhiều gia đình còn xua tay: “Khuyết tật thì làm được gì?”. Thậm chí nhiều người còn phải lên tận xưởng xem rồi mới tin”, chị nói.

Dù vậy chị Nga vẫn kiên trì. Đến nay, HTX đã có 38 người làm trực tiếp tại các xưởng, 40 người làm tại nhà. Họ đến từ các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Thu nhập tùy theo khả năng lao động của từng người, trung bình là 3 triệu đồng/tháng, cao nhất là 6,5 triệu đồng/tháng .

Quan trọng hơn, công việc đã khiến họ thay đổi nhận thức, tự tin hơn vào bản thân.

{keywords}
Bên trong xưởng sản xuất của HTX Trái tim hồng

“Vị thế của họ trong gia đình đã thay đổi. Trước đây, họ là người phụ thuộc, yếu thế nay họ tự tin hơn vì đã có thể nuôi sống bản thân. Nhiều bạn cũng thay đổi từ trang phục đến nhận thức, lời ăn tiếng nói, tự tin bước ra ngoài để giao tiếp với xã hội”, nữ giám đốc chia sẻ.

Điều đáng mừng hơn, ở môi trường này, họ tìm được một nửa của mình. HTX đã se duyên cho 10 cặp đôi đến với nhau, xây tổ ấm mới.

“Tôi nhớ nhất là bạn gái bị câm và điếc ở Quảng Trị. Qua mạng xã hội, bạn biết đến HTX và xin ra làm việc. Sau nhiều năm ở đây, bạn trở nên tự tin hơn vào bản thân. Hiện bạn đã về quê lập gia đình, có cuộc sống ổn định”.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp, chị Nga phải nói lời từ chối. Ví dụ một người khuyết tật ở xa đến HTX, được giới thiệu nhiều việc làm nhưng người này đều than phiền, từ chối.

Chị Nga giao việc nhẹ nhất là đóng bao bì nhưng anh cũng từ chối với lý do đau tay. Chị khuyến khích sang xưởng may, anh lại nói mắt kém không thể làm. Cuối cùng chị Nga khuyên người này nên về quê, mở cửa hàng tạp hóa. Bởi nếu muốn ở lại, tất cả mọi người đều phải làm việc để nuôi sống bản thân.

“Chúng tôi chỉ nhận những người nhiệt huyết với công việc, có ý thức tự lực cánh sinh. Dù ít hay nhiều nhưng mọi người đều phải lao động, tạo ra sản phẩm thật. Đây không phải là nơi để nuôi dưỡng, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của người khác”.

{keywords}
Chị Nga nhận nhiều thành tích nhờ những nỗ lực hỗ trợ cho người khuyết tật.

Theo chị Nga, khăn nhất của những lao động khuyết tật là đầu ra bởi những rào cản trong tâm lý của khách hàng.

“Nhiều khách hàng không dám mua sản phẩm của HTX vì theo họ, người khuyết tật không thể làm được. Nếu có mua cũng chỉ là một hình thức ủng hộ. Nhiều người phải lên tận nơi để thẩm định. Cuối cùng nhìn sản phẩm, họ thích và đặt mua. Không chỉ mua cho bản thân, họ còn giới thiệu cho người nhà, bạn bè.

Năm 2020, do dịch Covid-19, việc kinh doanh khá khó khăn nhưng doanh thu của HTX cũng đạt con số 1 tỷ đồng.

“Chúng tôi hi vọng, sắp tới, có thể bán được nhiều sản phẩm hơn. Người lao động có thêm tiền hay bánh chưng, chút quà để về quê đón Tết”, chị Nga chia sẻ.

Chị Nga nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; đạt Bằng khen sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố; Gương người tốt, việc tốt TP Hà Nội năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội năm 2018; Gương điển hình tiên tiến TP Hà Nội năm 2018. Tháng 11/2020, chị là cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.


Cô giáo của những trẻ em nghèo vùng cao chia sẻ tâm nguyện đời mình

Cô giáo của những trẻ em nghèo vùng cao chia sẻ tâm nguyện đời mình

“Có một bạn ngỏ ý mời bọn trẻ ở điểm trường tôi dạy một bữa cơm có thịt, đầy đủ hơn mọi ngày. Dù bữa cơm đó chưa sắp xếp được nhưng đó là một tấm lòng mà tôi rất quý trọng”.

Ngọc Trang

Ảnh: NVCC