Người phát ngôn cho biết, báo chí trong thời đại công nghệ 4.0 có cả cơ hội đan xen thách thức, cơ hội rất lớn xong thách thức cũng không nhỏ. Về cơ hội, có thể nói rằng, công nghệ 4.0 đã tạo ra một thế giới phẳng, một không gian rộng lớn hơn, tạo điều kiện cho báo chí có thể tiếp cận với nguồn thông tin trên toàn thế giới một cách nhanh chóng và kịp thời. Không những vậy, nắm trong tay công nghệ cũng giúp báo chí có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn những thông điệp muốn truyền tải.
Cạnh tranh thông tin trong thế giới phẳng
“Đề cập tới thách thức, tôi muốn nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng lớn về thông tin, chất lượng thông tin cũng như phương thức truyền tin trong thế giới phẳng.
Trước bối cảnh đó, báo chí không chỉ là thông tin, làm cầu nối quan trọng giữa chính quyền, các giới với công chúng và giữa công chúng với nhau. Báo chí còn có vai trò định hướng cho công chúng để họ tham gia vào công việc chung của xã hội, bày tỏ tiếng nói đến các cơ quan của chính quyền, qua đó tác động mạnh mẽ, thiết thực đến việc hoạch định chính sách. Sau khi được ban hành, chính sách cũng quay lại phục vụ chính người dân”, bà Hằng chia sẻ.
Theo bà, những người làm báo mang trọng trách kép “thông tin và dẫn dắt”. Điều này đòi hỏi không chỉ trí tuệ, trình độ chuyên môn mà còn cả cái tâm và bản lĩnh của người làm báo. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ 4.0, người làm báo phải nắm bắt được công nghệ để không bị tụt hậu.
Được coi là "nữ tướng" trong những cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ Ngoại giao, bà Hằng cảm nhận về sức mạnh của báo chí trong công tác thông tin đối ngoại: Sứ mệnh của báo chí đối ngoại là vừa “xây” vừa “chống”.
Sức mạnh “xây” của báo chí đối ngoại là quảng bá, xây dựng hình ảnh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến với công chúng nước ngoài, từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Sức mạnh “chống” là đấu tranh với thông tin sai lệch, tiêu cực và bất lợi làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, lợi ích dân tộc. “Xây” và “chống” luôn đi song hành với nhau và là sứ mệnh, nhiệm vụ, mục tiêu của báo chí đối ngoại.
Câu chuyện “hợp tác” và “đấu tranh” không chỉ là những mặt hiển nhiên trong quan hệ quốc tế mà cũng rất rõ trong chính báo chí đối ngoại. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều chiều như hiện nay, thông tin muốn phát huy hiệu quả thì trong mọi vấn đề cần phải đề cao mặt “hợp tác” hơn là “đấu tranh”. Ví dụ như trong quan hệ với các đối tác, cần thúc đẩy tuyên truyền về những mảng hợp tác tốt đẹp; hay khi nói về câu chuyện an ninh phi truyền thống, chúng ta nên đề cao tuyên truyền mặt hợp tác, cùng nhau ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống đó.
Góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa
“Một trong những đóng góp của báo chí đối ngoại là góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Thông tin đối ngoại làm sâu sắc hơn, góp phần củng cố quan hệ, đặc biệt là quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; gia tăng vị thế của đất nước trong lòng bạn bè quốc tế mà qua đó khi cần ta có thể vận động bạn bè quốc tế ủng hộ những lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta.
Thông tin đối ngoại là một sức mạnh mềm nhưng lại góp phần tăng thêm sức mạnh cứng của Việt Nam (sức mạnh về kinh tế, tiềm lực và mọi mặt), qua đó ta có thế và lực để bảo vệ vững chắc những lợi ích, kể cả lợi ích về chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích về kinh tế khác”, người phát ngôn cho biết.
Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí đánh giá, ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy xuất sắc vai trò của mình kể cả khi không có phóng viên nước ngoài nào vào Việt Nam vì dịch bệnh.
Hình ảnh, thông điệp của Việt Nam được truyền ra bên ngoài một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả. Dư luận quốc tế đánh giá rất cao Việt Nam về các biện pháp phòng chống dịch cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, báo chí đối ngoại có nhiệm vụ thông tin chính thức, chính xác về tình hình kiểm soát dịch bệnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại cũng cần nêu bật được các chính sách, giải pháp của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Với tình hình thế giới hiện nay, nếu chúng ta không cùng nhau thì không thể đi xa, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng các vấn đề toàn cầu có cách tiếp cận toàn cầu. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới thời gian qua thể hiện sự quan tâm đến các mục tiêu chung, trong đó có phát triển bao trùm, phát triển bền vững và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm.
Báo chí đối ngoại, ngoài vai trò quảng bá, cần phải đưa ra những thông điệp kêu gọi phù hợp với lợi ích, mục tiêu và khát vọng của chính phủ cũng như của nhân dân các nước”.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Là người gắn bó và tâm huyết nhiều năm với công tác báo chí, bà Hằng chia sẻ về nỗ lực “truyền lửa” cho thế hệ trẻ làm công tác báo chí nói chung và công tác báo chí đối ngoại nói riêng.
Theo bà, nhà báo là những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận thông tin tuyên truyền, có sứ mệnh rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay.
“Có ai sẻ chia được những lúc nhà báo thức xuyên đêm đi vào vùng lũ, có những nhà báo đã hy sinh cả tính mạng vì những tác phẩm mang tên mình!
Vai trò của người làm báo rất quan trọng, vì vậy bản lĩnh của người làm báo càng phải vững vàng trước những biến động của thời cuộc, đa áp lực từ bên ngoài. Đảng, Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm hơn, có đầu tư thích đáng cho đội ngũ nhà báo để họ được cống hiến và sống được với nghề”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bày tỏ.
An Nhiên