Theo người dân địa phương, mặc dù bão số 9 không vào đất liền nhưng từ đêm 18/12 đến sáng 19/12, ảnh hưởng bão gây những đợt sóng lớn bất ngờ cao 6 - 8 m, kèm theo nước chảy xiết, khiến toàn bộ lồng bè nuôi trồng thủy sản ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng.
Bần thần trước cảnh hoang tàn sau ảnh hưởng của bão, ông Võ Đủ, người nuôi tôm ở đảo Bình Sơn, cho biết, gia đình phải vay một số vốn khá lớn, sau thời gian lao động, tích góp mới nuôi được 20 lồng tôm hùm. Nhưng cơn bão vừa qua đã phá hủy tất cả, giờ gia đình lâm vào cảnh nợ nần.
"Tôm nhà tôi trung bình đã đạt khoảng 3 con/kg và sắp xuất bán. Mỗi lồng tôm như vậy ước bán được khoảng 80 triệu đồng, tính đến gần tết bán để trả nợ, nhưng bão vào gây sóng lớn đánh tan tác hư hỏng tất cả, tôm cứ thế mà thoát ra ngoài. Gia đình tôi thiệt hại hơn khoảng hơn một tỷ đồng và phần lớn số tiền này phải vay ngân hàng, nên hiện tại rất là bế tắc" - ông Đủ buồn bã chia sẻ.
Tương tự hộ ông Đủ, gia đình chị Đào Thị Ngọc Thảo (nuôi tôm ở đảo Bình Sơn) cũng rơi vào cảnh nợ nần, trắng tay vì 30 lồng nuôi tôm bị sóng biển đánh hỏng.
Chị Thảo chia sẻ: "Từ sáng tới giờ, gia đình ngụp lặn tìm tôm còn sót lại trong lồng nhưng chỉ vớt được 200 con. Toàn bộ 30 ô lồng, trong đó 20 lồng nuôi tôm hùm đều đến thời kỳ xuất bán, không ngờ bị cơn sóng đánh hư hỏng, lồng nuôi rách nát, tôm hùm chui ra ngoài biển, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Giờ gia đình chẳng biết lấy gì để phục hồi sản xuất và trả nợ vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm".
Vì thiệt hại nặng nên các hộ nuôi tôm nơi đây mong muốn được quan tâm hỗ trợ để giúp họ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của UBND xã Cam Bình, toàn xã có khoảng 10.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm xanh, trong đó ở đảo Bình Hưng có khoảng 120 bè, gần 5.000 lồng.
Đa số bà con nơi đây đều vay vốn ngân hàng để nuôi tôm. Ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến khoảng 90% lồng bè của người dân hư hỏng, thất thoát.
Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình - cho biết, cơn bão số 9 không ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa nói chung và đảo Bình Hưng nói riêng, tuy nhiên gây sóng lớn bất thường "có một không hai" từ trước tới nay. Từ đó gây thiệt hại cho người nuôi tôm khoảng hơn 200 tỷ đồng.
"Xưa giờ ở Bình Hưng nếu có bão, thì sóng cũng không cao như lần này. Cơn sóng lớn này đã làm khoảng 90% hộ dân thôn Bình Hưng nuôi tôm bị thiệt hại trên 200 tỷ đồng, đó là mới tính thiệt hại trên bè, chứ chưa tính đến lượng tôm thất thoát" - ông Linh cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Linh cho hay hiện chính quyền đã chỉ đạo cho đài truyền thanh xã phát thanh tuyên truyền, vận động người dân xã cố gắng gìn giữ tài sản của mình. Đồng thời cho các ghe của người dân đi ra phía ngoài để giữ lồng nuôi bị chìm xuống, không để các phần tử xấu có cơ hội tiếp cận tài sản của người dân.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, sau khi thống kê thiệt hại chính xác, nếu như lượng tôm nuôi của bà con thất thoát hoàn toàn, xã sẽ đề nghị TP Cam Ranh kiến nghị tỉnh liên hệ ngân hàng để hỗ trợ giúp bà con khoanh nợ, cũng như tái cho vay sản xuất để phục hồi kinh tế gia đình.
(Theo Dân Trí)
Tôm hùm tăng giá gấp đôi: 2 triệu đồng/kg, cháy hàng mà vẫn lỗ nặng
Giá tôm hùm tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3/2020 nhưng người nuôi vẫn không có lãi vì tiền xăng dầu cũng tăng gấp 2 lần năm trước.