Trên địa bàn TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện có gần 800 nhà nuôi yến đang hoạt động. Kể từ cuối tháng 9 đến nay, rất nhiều nhà yến trên địa bàn xuất hiện tình trạng chim non bị chết trên tổ. Thậm chí, số lượng chim bố mẹ cũng giảm sút đáng kể, từ 20 đến 30% so với cùng kỳ các năm trước.
Anh Nguyễn Hồng Vũ ở phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá cho biết: Trong 5 năm nuôi yến, đây là lần đầu tiên có tình trạng chim non và chim bố mẹ chết nhiều như vậy. Mọi năm, sau khi kết thúc mùa mưa bão, nhà nuôi của anh vẫn duy trì đàn chim non đạt hơn 20%, chim bố mẹ ít thất thoát nhưng năm nay, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, toàn bộ chim non trên tổ đã chết sạch. Thêm vào đó, số lượng chim bố mẹ cũng giảm sút nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do tình hình mưa bão đã diễn biến khắc nghiệt hơn hẳn so với những năm trước, nguồn thức ăn của chim yến bao gồm các loại côn trùng trở nên khan hiếm. Xung quanh khu vực nội ô TP. Rạch Giá không còn nguồn cung cấp thức ăn, buộc chim bố mẹ phải rời tổ đi kiếm ăn ở nơi xa hơn, thời gian kiếm ăn kéo dài thêm từ 3 đến 5 tiếng so với trước.
Chim yến non bị chết trong tổ |
Anh Trần Quốc Phương, Chi hội yến sào Kiên Giang cho rằng: Việc chim non bị chết hàng loạt, gây ảnh hưởng trước hết đến chất lượng các tổ yến sau khi thu hoạch. Đồng thời làm giảm số lượng đàn chim ở những nhà nuôi lâu năm cho các vụ nuôi tiếp theo. Riêng đối với các nhà yến mới xây cất gần đây, khả năng không dẫn dụ được chim yến là rất cao, người nuôi khó thu hồi vốn đã đầu tư.
“Thực trạng này đối với những người nuôi yến lâu năm khi nhà đã thành công và có thu hoạch thu hồi vốn thì không ảnh hưởng nhiều, có thể mất một vụ chim non và mất mùa lấy tổ khoảng 3 tháng. Nhưng ảnh hưởng lớn hiện tại là những hộ nuôi mới đang trong quá trình dẫn dụ thì không có chim con để dẫn dụ” – ông Phương cho hay.
Hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào để bảo vệ chim non và chim bố mẹ bị chết hàng loạt vào mùa mưa bão. Tuy nhiên theo những hộ nuôi có kinh nghiệm lâu năm, có thể vệ sinh thường xuyên nhà nuôi để nhà nuôi được thông thoáng, tránh làm giảm chất lượng tổ khi thu nhặt. Đồng thời về lâu dài cần xem xét việc chuyển các nhà nuôi đến các khu vực gần đồng ruộng hoặc vùng có nguồn thức ăn dồi dào hơn.
(Theo VOV)