Qua những câu chuyện về người nổi tiếng ở Việt Nam làm từ thiện trong nhiều năm qua, có thể thấy Việt Nam hiện nay thiếu tổ chức chuyên nghiệp để những người nổi tiếng, có uy tín cá nhân đồng hành và cộng tác cùng. Vai trò của người nổi tiếng không phải đi phát từ thiện trực tiếp mà họ dùng uy tín của mình để kêu gọi mọi người đóng góp vào các tổ chức hay quỹ đó.
Trên thế giới cũng vậy, những nghệ sĩ nổi tiếng như Angelina Jolie, Jessica Chastain (điện ảnh); Lionel Messi, Rafael Nadal, Roger Federer (thể thao); hay Bill Gates, Warren Buffett (nhà tài phiệt)... đều là những nhà từ thiện lớn. Họ thành lập quỹ, không chỉ bỏ tiền túi ra làm từ thiện, mà còn dùng uy tín và ảnh hưởng cá nhân để kêu gọi đóng góp từ cộng đồng vào quỹ. Họ có đội ngũ chuyên nghiệp để quản lý quỹ.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, người nổi tiếng càng cần ý thức rõ về những rủi ro khi họ thực hiện từ thiện kiểu nghiệp dư như vừa qua.
Cơn "địa chấn" liên quan đến Hoài Linh và số tiền 14 tỷ người dân gửi danh hài ủng hộ bà con miền Trung trong vùng lũ được dư luận mổ xẻ |
Đã tới lúc phải có những thiết chế pháp lý nhằm bảo vệ công tác từ thiện chuyên nghiệp, bảo vệ cả người đóng góp lẫn người nhận đóng góp tốt hơn.
Xã hội đã sẵn sàng
Để một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp có thể ra đời, điều kiện cần trước hết là nguồn lực xã hội, sự sẵn sàng đóng góp cho hoạt động từ thiện. Còn điều kiện đủ là môi trường pháp lý minh bạch và mang tính khuyến khích, cho cả người đứng ra kêu gọi tài trợ lẫn người đóng góp.
Xét điều kiện cần, chúng ta có hơn 30 năm đổi mới và tăng trưởng kinh tế liên tục giúp Việt Nam hình thành một nhóm đáng kể các cá nhân đủ sức làm thiện nguyện, cùng tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và có ý thức trách nhiệm xã hội cao.
Những người có ảnh hưởng, nhất là các ngôi sao trong làng giải trí, cho thấy họ đã sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm xã hội lớn lao hơn, chứ không phải là hứng thú nhất thời hay chỉ “làm màu” để đánh bóng hình ảnh. Quan trọng hơn, người dân cũng bắt đầu có niềm tin để sẵn sàng góp tiền theo lời kêu gọi của những người nổi tiếng có uy tín.
Điều kiện cần đã có, nhưng điều kiện đủ là môi trường pháp lý thì Việt Nam chưa có. Bộ luật Dân sự và hai nghị định 64 (2008) và 93 (2019) không được thiết kế để khuyến khích các tổ chức chuyên nghiệp. Nghị định 64 ra đời cách đây 10 năm để các tổ chức chính trị làm từ thiện. Bộ luật Dân sự không có chế tài để bảo vệ những lợi ích mang tính tập thể mà chỉ bảo vệ giữa hai cá nhân trực tiếp với nhau.
Cần luật về tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp
Mục tiêu của một đạo luật như vậy là xây dựng các thiết chế bảo vệ lợi ích của người đóng góp, yêu cầu trách nhiệm minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ. Lưu ý rằng chỉ khi số tiền nhận được từ đóng góp vượt ngưỡng nhất định thì luật mới điều chỉnh.
Mục tiêu nữa của đạo luật này là bảo vệ niềm tin xã hội, và bảo vệ bản thân những cá nhân uy tín, có sức ảnh hưởng, có lòng hảo tâm mong muốn đóng góp cộng đồng.
Niềm tin cũng được coi là nguồn vốn xã hội. Thông thường trong pháp luật các quốc gia về thiện nguyện, những người góp tiền được gọi là người tín thác và người nhận tiền là người nhận tín thác.
Chữ “tín” - niềm tin - ở đây đóng vai trò trung tâm. Pháp lý chính là các thiết chế để bảo vệ lòng tin này. Chúng ta có một nguồn vốn xã hội khổng lồ và vô cùng quý báu là tinh thần “hoạn nạn tương cứu” giữa đồng bào.
Nhưng niềm tin đó nếu không được bảo vệ bằng pháp lý sẽ dễ bị xói mòn và tổn thương. Trách nhiệm bảo vệ tài sản vô giá đó, một lần nữa nằm trong tay những nhà lập pháp.
Ta có thể tham khảo luật ở Anh, theo đạo luật về hoạt động từ thiện (Charity Act, sửa đổi gần nhất năm 2011), ngưỡng phải đăng ký hoạt động là khi cá nhân/tổ chức gây quỹ được hơn 5.000 bảng Anh trong một năm. Ngưỡng tối thiểu thấp như vậy là một chủ đích của nhà nước để điều tiết các nguồn đóng góp về các tổ chức chuyên nghiệp, thay vì cá nhân tự phát.
Ba cơ chế trong một đạo luật
Có 3 cơ chế chính cần thiết kế trong một đạo luật như vậy.
Thứ nhất, cơ chế báo cáo bắt buộc về tình hình hoạt động và tài chính của tổ chức. Tiền thu được bao nhiêu, sử dụng cho những mục đích gì cần được báo cáo cụ thể, công khai cho toàn bộ công chúng.
Với những tổ chức có mức thu trong năm vượt ngưỡng nhất định, còn phải báo cáo bắt buộc với một ủy ban giám sát. Ở Anh, tổ chức từ thiện có thu nhập vượt mức 25.000 bảng phải nộp báo cáo thường niên cho ủy ban.
Thứ hai, quy định về hồ sơ kế toán, chế độ hậu kiểm và kiểm toán để đáp ứng chuẩn mực minh bạch tài chính. Tại Anh, tất cả tổ chức từ thiện có thu nhập hằng năm trên 25.000 bảng phải được kiểm toán hoặc kiểm tra độc lập, và thu nhập trên 1 triệu bảng phải được kiểm toán.
Thứ ba, là hội đồng quản lý của tổ chức, có thể dưới dạng hội đồng tín thác. Hội đồng này thường là những người có uy tín, được bầu cử hoặc chỉ định - đại diện cho tập thể tất cả người đóng góp.
Một cách đơn giản, góp tiền từ thiện cũng như góp cổ phần cho công ty đại chúng. Hội đồng tín thác tương đương hội đồng quản trị công ty, sẽ thay mặt “cổ đông”, ở đây là người góp quỹ, quyết định sử dụng số tiền.
Các trường đại học nước ngoài thường có một hội đồng như vậy hay các quỹ của các doanh nhân, tỷ phú thế giới cũng vậy, để họ quyết định số tiền mà quyên góp được dùng vào những việc gì.
Xã hội Việt Nam tới đây sẽ cần nhiều thiết chế này, vì nó phù hợp với mô hình các tổ chức phi lợi nhuận.
Lan Anh ghi
Cộng đồng trách nhiệm và chuyện làm từ thiện từ nước Đức
Khi kết thúc dự án, chuyên gia Đức đưa ra bộ hồ sơ kết quả: Ông, bà hãy vui lòng cùng chúng tôi giải trình với Bộ Kinh tế Đức về những khoản đã chi tiêu của dự án này tại Việt Nam.