Một người Mỹ tỏ ra kinh ngạc khi thấy một đứa trẻ Nhật khoảng 5 tuổi đấm vào người mẹ đang mang bầu để đòi chỗ ngồi của mẹ trên tàu điện ngầm và được bà chấp thuận.
Tình da thịt
Các bà mẹ Nhật thường dẫn con đi mọi nơi, bằng cách bế hoặc đẩy xe, đi quanh nhà, tới cửa hàng, thậm chí đạp xe quanh thị trấn. Không hiếm cảnh những ông bố vừa trượt tuyết vừa địu con sau lưng.
Ở hầu hết các gia đình Nhật, trẻ con ngủ chung với bố mẹ, thường là con nằm giữa, giống như chữ 川 (sông) trong tiếng Nhật. Điều này sẽ kéo dài tới khi trẻ đi học, thậm chí đến 14-15 tuổi. Và bạn có thể thấy rất nhiều người mẹ dẫn con mình tới tắm ở các bể bơi công cộng. Người Nhật gọi đó là “tình da thịt” – tất cả mọi người đều khỏa thân trong bể tắm nước nóng. Nhưng bố mẹ Nhật không ôm hôn con họ, vì đó không phải cách họ thể hiện tình cảm.
Một ông bố địu con trên lưng khi đang trượt tuyết (Ảnh: Time) |
Ngược lại, văn hóa phương Tây chú trọng cho con cái ngủ riêng, thường là trong nôi hoặc cũi, ở phòng riêng. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của việc để trẻ ngủ riêng là nhằm khuyến khích tính tự lập ở trẻ. Nhưng thật kì lạ, hầu hết nghiên cứu cho rằng ngủ chung khiến trẻ tự lập và tự giác hơn khi chúng lớn lên. Sự thỏa mãn về nhu cầu tình cảm, sự gắn bó và quan tâm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến chúng có lòng tự tin và tự tôn cao hơn.
Ở Nhật Bản, nhiệm vụ tối quan trọng của người mẹ là tạo ra mối gắn kết như một với con và gìn giữ mối liên hệ đó suốt thời thơ ấu của trẻ. Phát triển sự gần gũi này còn được chú trọng hơn những kĩ thuật làm gương, thương lượng và kỉ luật trẻ trong quá trình giúp chúng hòa nhập với những giá trị về đạp đức và xã hội Nhật. Theo truyền thống, người mẹ sẽ dựa vào sự gắn kết tối cao đó để dạy con cư xử phải phép hơn là các phương pháp trừng phạt hay ép buộc.
Cách phạt con
Dù rèn giũa con rất nghiêm khắc, cha mẹ Nhật cũng rất chiều con họ, theo cách mà người phương Tây không thể tưởng tượng ra.
Các bà mẹ Nhật luôn tạo tình cảm gần gũi với con, nhưng không ôm hôn. |
Tim Sullivan, một người Mỹ có vợ Nhật, kể lại trên trang web cá nhân về việc anh cảm thấy ngạc nhiên vô cùng khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ khoảng 5 tuổi đấm vào người mẹ đang mang bầu của mình ở trên tàu điện ngầm trong giờ cao điểm vì mẹ mình được ngồi trong khi cậu bé đứng. Thật đáng kinh ngạc, người mẹ đứng dậy nhường chỗ cho cậu bé. Sullivan cho rằng, trong văn hóa Mỹ, người mẹ sẽ dùng tình huống này để dạy con cách tôn trọng và thể hiện hành vi tốt.
Mặc dù vậy, người Nhật Bản còn có cách hiệu quả hơn nhiều để phạt trẻ nhỏ: sự tẩy chay, đẩy người mắc lỗi ra khỏi tập thể.
Sullivan đưa ra hai ví dụ để so sánh cách anh và vợ anh khi còn nhỏ bị phạt vì không ngoan.
Khi còn nhỏ, Sullivan thường bị mẹ nhốt trong phòng nếu mắc lỗi. Còn vợ anh, chị Kurumi cho biết mẹ chị thường đẩy chị ra khỏi nhà và khóa cửa lại, khiến chị khóc lóc và cào cửa xin mẹ cho vào.
Hai phương pháp trừng phạt trẻ áp dụng trong những nền văn hóa khác nhau có vẻ đối nghịch, nhưng nếu nhìn kĩ hơn, bạn sẽ thấy điều cốt lõi: cả hai đều từ chối đứa trẻ thứ mà nó coi trọng.
Trong trường hợp của Sullivan, bố mẹ từ chối thứ mà anh coi trọng nhất: tự do và độc lập, niềm vui của việc ra khỏi nhà và tụ tập bạn bè ở bên ngoài.
Trong trường hợp của Kurumi, bố mẹ cô ấy từ chối thứ quan trọng nhất trong hệ giá trị của cô ấy nói riêng và xã hội Nhật nói chung: sự gắn bó. Hình phạt này hữu dụng trong văn hóa tập thể của Nhật, khi cá nhân luôn hòa trong tập thể. Trong xã hội Nhật, cá nhân không được đề cao trong vai trò một chủ thể đứng tách biệt.
Thực tế ở Nhật, một người phải là một phần của tập thể, và sẽ không trọn vẹn khi thiếu sự gắn bó với tập thể. Vì thế, sự tẩy chay là một phương pháp hiệu quả để phạt những người ao ước được gắn bó, và điều này cũng được sử dụng rộng rãi ở nơi làm việc của người Nhật.
Theo Eva