Người Mỹ sẽ phải nhận 48 tỷ cuộc gọi tự động trong năm nay
 

Những cuộc gọi tự động (robocall) hay cuộc gọi lừa đảo chính là một điều phiền toái của cuộc sống hiện đại. Thực tế, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ xác định đây là khiếu nại số 1 trong năm 2020 và chúng ngày càng tệ hơn. Theo hãng truyền thông YouMail, robocall tăng gần 4% trong tháng 1 và trên đà đạt con số 48 tỷ trong năm nay.

Điều đáng nói là nó vẫn xảy ra ngay cả sau khi Quốc hội Mỹ đã thông qua luật mới hơn 1 năm trước nhằm loại bỏ vấn đề bằng một loạt biện pháp kỹ thuật và pháp lý. Vì sao robocall tồi tệ tới mức khiến hầu hết người Mỹ hiện giờ chỉ nhận điện thoại khi họ biết đó là số của ai?

Câu trả lời ngắn gọn là ngành công nghiệp quay số tự động “mờ ám”, kiếm tiền từ kích hoạt hàng triệu cuộc gọi mỗi ngày và tỏ ra sành sỏi khi đi trước luật pháp một bước. Câu trả lời dài hơn sẽ “chĩa” ngón tay vào các doanh nghiệp lớn trong hỗ trợ robocall và trách nhiệm của những cơ quan liên bang.

Ai là tác giả của robocall?

Trước đây, để gọi điện tiếp thị, bạn cần nhà kho lớn với nhiều trang thiết bị rối rắm. Tuy nhiên, ngày nay, việc đó có thể làm ngay từ phòng khách, giống Nick Palumbo. Người đàn ông Arizona điều hành vài công ty chuyên chuyển tiếp cuộc gọi tự động qua hàng ngàn đường dây điện thoại trên nền Internet tại nhà. Theo Thời báo Phố Wall, chỉ riêng các doanh nghiệp của Palumbo đã chuyển hướng hàng trăm triệu cuộc gọi tới khách hàng Mỹ.

Quan chức liên bang bắt giữ Palumbo năm 2019 với tội danh lừa đảo. Mùa hè năm 2020, anh ký thỏa thuận với Bộ Tư pháp, cấm anh và vợ điều hành hoạt động robocall. Tuy nhiên, Palumbo không phải là người duy nhất tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo.

Những nhân vật trung gian này không phải nguồn phát sinh cuộc gọi lừa đảo mà chúng xuất phát từ Ấn Độ, Philippines, Mexico hay các nước khác. Chúng muốn thu thập dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ tín dụng mà vẫn nằm ngoài tầm với của nhà chức trách Mỹ. Song để tiếp cận được con mồi tại Mỹ, chúng cần một nhà mạng trong nước để chuyển tiếp cuộc gọi. Những công ty này cung cấp dịch vụ giá siêu rẻ cho các tổ chức hợp pháp như chạy chiến dịch chính trị nhưng cũng có thể “mắt nhắm mắt mở” cho kẻ lừa đảo.

Vì sao các nhà mạng như Verizon, AT&T hay T-Mobile lại không thể chặn đứng robocall? Câu trả lời là họ đang cố gắng. Luật robocall mới giảm trách nhiệm pháp lý cho nhà mạng khi chặn cuộc gọi và khuyến khích dùng công nghệ xác thực cuộc gọi. Đó là lý do ngày càng nhiều người nhìn thấy những thông điệp như “có vẻ là cuộc gọi rác” trên màn hình điện thoại.

Theo luật sư Margot Saunders, nhà mạng sẽ chặn cuộc gọi rác tốt hơn nhiều nếu phải chịu trách nhiệm pháp lý cho những cuộc gọi phiền phức này. Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị đồng nghĩa nó không thể đưa ra Quốc hội. Bà cũng bác bỏ ý kiến cho rằng khó phát triển giải pháp chặn robocall, nhất là khi chúng ta có năng lực lên tận Sao Hỏa.

Lỗ hổng lớn trong luật mới

Năm 2019, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật TRACED, trừng phạt các cuộc gọi tự động. Dù vậy, nó vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn. Một trong số này là định nghĩa hoạt động được miễn trừ khỏi lệnh cấm robocall. Chẳng hạn, nhiều cuộc gọi đòi nợ tự động là hợp pháp, cùng với nhiều cuộc gọi khác được xếp vào liên quan tới bầu cử hay chính trị.

Trong khi đó, những công ty robocall lại lách luật khi tuyên bố khách hàng đồng ý nhận chúng. Chẳng hạn, chỉ cần họ đánh dấu vào ô cho phép công ty liên lạc với mình. Trong nhiều trường hợp, nó còn đồng nghĩa với công ty có quyền bán “sự cho phép” đó cho bên thứ ba, bao gồm ngành môi giới dữ liệu. Nó đóng vai trò như công cụ hợp pháp để các nhà tiếp thị quấy rầy họ trong nhiều năm. Ngoài ra, luật sư doanh nghiệp cũng sẵn sàng khai thác các lỗ hổng trong luật khi đứng trước tòa.

Luật sư Saunders và nhiều người khác cho rằng Quốc hồi cần thắt chặt các lỗ hổng để doanh nghiệp không đi quá giới hạn. Đồng thời, nhiều ngành công nghiệp lớn khác lại âm thầm phản đối cải cách nghiêm túc vì robocall là hình thức tiếp thị rẻ và hiệu quả.

Cuối cùng là câu hỏi về sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ trong trừng phạt và ngăn chặn robocall. Điều đó có thể thay đổi khi FCC có người phụ trách mới, Jessica Rosenworcel. Bà được miêu tả là người sẵn sàng đưa ra các biện pháp khắt khe hơn chống lại robocall.

Theo người phát ngôn của quyền Chủ tịch FCC Rosenworcel, robocall đang vượt kiểm soát và gia tăng trong những năm gần đây. Bảo vệ người dùng là ưu tiên hàng đầu đối với quyền Chủ tịch. Người này nói thêm FCC đang đánh giá lại các chính sách trong quá khứ và tương lai về robocall.

Tất cả những điều trên cho thấy robocall không thể sớm biến mất và mọi người dùng tại Mỹ sẽ còn phải chịu đựng sự phiền toái ấy trong tương lai gần.

Du Lam (Theo Fortune)

Mỹ tiếp tục thảo luận trấn áp những gã khổng lồ công nghệ

Mỹ tiếp tục thảo luận trấn áp những gã khổng lồ công nghệ

Cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều đồng ý tiếp tục các cuộc điều tra chống độc quyền, tái khởi động các vụ kiện chống lại những gã khổng lồ công nghệ.