![]() |
Ông Kiên trong buổi giới thiệu bộ sưu tập tem về Bác Hồ. |
Chuyên nghiệp, tâm huyết, đó là cảm nhận chung của nhiều người khi được tận mắt “mục sở thị” bộ sưu tập tem chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” của nhà sưu tập tem Phạm Trung Kiên, Giám đốc VNPT Đà Nẵng.
Với gần 500 con tem trong, ngoài nước và 400 phong bì thực gửi có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên, Bộ sưu tập như những thước phim lịch sử tái hiện cuộc đời của Bác gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nguồn tư liệu lịch sử sống động và quý giá
Bộ sưu tập gồm 2 tập, khổ 25x30 cm, dày khoảng 10 cm, gồm 96 trang được chia làm 5 chương, mỗi chương có 2 - 3 tiểu mục: Từ làng Sen đến con đường cứu nước, Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Mỗi trang đều có phần lời giới thiệu phía trên, phía dưới được minh họa bằng những con tem hoặc phong bì có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên (FDC). Nhiều con tem rất cũ, nhiều phong bì FDC bị rách... nhưng được gắn cẩn thận lên tấm lót bằng nỉ đen (chuyên dùng để sưu tập tem) và được bọc bằng ny-lông cứng để tránh rơi vãi.
Cẩn thận mở từng trang của bộ sưu tập, ông Kiên say sưa giới thiệu cho tôi “công trình khoa học” bằng tem, thư của mình. Mở đầu là hình ảnh làng Sen nơi Bác sinh ra được thể hiện bằng 1 phong bì FDC thực gửi nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có con tem in hình Bác. Điều khá thú vị là phong bì này đóng dấu nhật ấn gửi đi từ Bưu cục Kim Liên (Nghệ An) đúng ngày phát hành bộ tem.
Hoặc sự kiện năm 1906, người thanh niên Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ 2 và học tại trường Pháp Việt Đông Ba được minh họa bằng phong bì FDC thực gửi đóng nhật ấn từ bưu cục Huế phát hành nhân sự kiện Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới với con tem in hình Cố đô Huế. Xuyên suốt 5 chương của bộ tem, các sự kiện đều được tác giả lồng ghép khéo léo giữa con tem về Bác Hồ, phong bì FDC thực gửi và dấu nhật ấn ngày phát hành tại địa phương gắn liền với sự kiện lịch sử đó.
Nhiều sự kiện mang dấu ấn lịch sử của đất nước cũng được tái hiện qua bộ sưu tập. Tại chương 4 (Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) mô tả quân dân miền Bắc đánh trả quyết liệt cuộc xâm lược của không quân Mỹ ra miền Bắc, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ. Hình ảnh o du kích bắt sống giặc lái Mỹ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ ca ngợi được ông Kiên thể hiện trên phong bì FDC có tem, kèm bút tích của nhà thơ Tố Hữu cùng chữ ký của o du kích Nguyễn Thị Kim Lai.
![]() |
Hình ảnh bộ sưu tập tem về Bác Hồ của ông Phạm Trung Kiên. |
Niềm xúc động trào dâng trong tôi khi thấy những bì thư, bưu thiếp mang khát vọng thống nhất đất nước của đồng bào ta ở hai bên bờ vĩ tuyến 17. Đây là những bức thư, bưu thiếp đầy máu và nước mắt của người thân ở miền Bắc gửi vào miền Nam bị chính quyền Mỹ ngụy thu giữ. Anh Kiên cho biết: “Những thư này, ta phát hiện trong kho lưu trữ của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Đây là nhân chứng lịch sử “rất sống động” phơi bày âm mưu đen tối của chính quyền Mỹ ngụy lúc bấy giờ hòng chia cắt tình cảm của đồng bào ta ở hai miền Nam - Bắc”.
Giọng ông Kiên như lắng lại khi giới thiệu về Chương 5 với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta“ có phần đề dẫn trích từ Điếu văn của Ban Chấp hành TW Đảng “Tổn thất này thật là lớn lao, đau thương này thật là vô hạn“ và được minh họa bằng phong bì ngày phát hành đầu tiên ghi lại giờ phút Bác qua đời, có đóng dấu nhật ấn của Bưu điện Việt Nam đúng thời khắc 9h47’ ngày 3/9/1969 với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”.
Người “thổi lửa” cho Hội Tem Đà Nẵng
Bộ sưu tập của ông Kiên không chỉ quý về giá trị tư liệu lịch sử mà theo đánh giá của những nhà chuyên môn, nó còn quý hiếm ở chỗ có rất nhiều tem dị bản (tức là tem in bị lỗi thường được hủy, không phát hành). Tem dị bản trong bộ sưu tập rất đa dạng về loại hình: răng ăn sâu vào tem, tem in hình ở mặt sau, tem in thử, răng đục lệch hình... Tem dị bản thường rất hiếm nên nó trở thành “tâm điểm” của những nhà sưu tập tem, gần 100 tem dị bản có trong bộ sưu tập là thành quả 15 năm sưu tập của ông Phạm Trung Kiên.
Giữ cương vị Giám đốc VNPT Đà Nẵng, công việc của ông luôn bộn bề nhưng hễ có triển lãm tem bưu chính là ông cố gắng đến tận nơi tham dự để thỏa mãn cái thú sưu tầm của mình. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong bộ sưu tập có những FDC và bộ tem ngoài dấu nhật ấn còn có thêm bút tích của họa sĩ thiết kế và đặc biệt là chữ ký của lãnh đạo ngành bưu điện như ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ BC-VT (nay là Bộ TT&TT), ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ TT&TT và chữ ký của những nhà sưu tập tem kỳ cựu của Việt Nam như ông Hoàng Châu Kỳ.
Bộ sưu tập tem Bác Hồ của ông Phạm Trung Kiên ngày càng dày lên theo chiều dài lịch sử phát triển của tem bưu chính Việt Nam, từ những con tem đầu tiên in bằng giấy dó với công nghệ thô sơ, đến những con tem in bằng công nghệ offset hiện đại. Nhiều tem nước ngoài thể hiện tình cảm của nhân dân thế giới đối với Bác Hồ cũng không vắng mặt trong bộ sưu tập của ông, đó là những con tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu được in ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Lào, Cuba và các nước châu Mỹ La tinh.
Bộ tem chuyên đề về Bác Hồ của ông Phạm Trung Kiên đã được nhận giải Bạc trong Triển lãm Tem bưu chính quốc gia (Vietstampex 2005). Không chỉ là người sưu tập tem, ông Kiên có thời gian là Chủ tịch Hội Tem Đà Nẵng. Lòng say mê sưu tập của ông đã “thổi lửa” cho phong trào sưu tập tem của Đà Nẵng ngày càng phát triển. Hội Tem Đà Nẵng được đánh giá là một trong những hội tem mạnh của cả nước.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 106 ra ngày 4/9/2009.