Một mình làm thuê kiếm sống đến lúc bệnh tật không còn làm được phải sống nhờ lòng hảo tâm của xóm giềng. Địa phương nghèo, mức độ giúp đỡ hạn chế, con cái hàng mấy năm trời không hề thăm viếng.


Gần 10 năm qua bà Sáu H. (Nguyễn Thị H., 63 tuổi) sống cô đơn trong căn nhà rách nát ở tổ 2, khóm 1, phường 8 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Nhắc đến con, bà nghẹn ngào nói: “Lâu lắm rồi không đứa nào về thăm tui”.

Lúc chúng tôi đến nhà thì bà H. đang khó nhọc dùng mấy cây tre mục nát chống chọi cho căn nhà rách. Vịn vách lá lần từng bước vào nhà, bà H. phân trần: “Mấy bữa nay nghe bà con trong xóm bàn chuyện bão số 8, sợ mưa gió sập nhà nên tui lấy tre chống thêm”.

Một mình trong căn nhà nát


Căn nhà nhỏ của bà H. cột kèo bị mối mọt gặm mục nát, vách lá hai bên rách te tua phải che thêm bằng những tấm nylon cũng không còn lành lặn. Gian nhà bếp nhỏ phía sau đã sập, bà H. phải che chống bằng đủ loại vật liệu. Bà H. nói những hôm trời mưa gió bà không dám ngủ trong buồng, phải ngủ gần cửa chính để lỡ… nhà có sập thì có thể chạy ra sân. Trong nhà có tivi cũ và chiếc quạt máy nhỏ do những người tốt bụng tặng nhưng có lẽ không mấy khi xài tới. Nhà chỉ có một bóng đèn néon nhỏ xíu để thắp sáng, hóa đơn tiền điện không có tờ nào vượt quá con số 10.000 đồng/tháng. Bà H. cười buồn, nói: “Tiền mua gạo ăn còn không có, lấy tiền đâu mà trả tiền điện”.

Chuyện đời của bà H. thật bất hạnh. Từ sau ngày chồng chết, con cái bỏ đi biệt tích, bà H. sống một thân một mình, làm thuê đủ thứ nghề để mua gạo nuôi thân. Thương hoàn cảnh bà nên trong xóm ai có việc gì cũng kêu bà H. làm, từ nhổ cỏ, xách nước, giặt quần áo đến… giữ trẻ con. Có nhiều lúc ở quê không có việc gì làm, bà H. ra TP Vĩnh Long, lên tận TP.HCM làm việc nhà hoặc rửa chén bát thuê cho các quán ăn. Gần hai năm nay do bệnh tật hành hạ, bà H. trở về căn nhà nát, sống nhờ sự cứu giúp của bà con lối xóm và nhà chùa. Hơn hai tháng qua bệnh bà H. trở nặng, những người tốt bụng trong xóm đưa bà đến phòng khám từ thiện quanh vùng khám bệnh và xin thuốc Nam về uống cầm chừng. Chính vì vậy, không biết cụ thể bệnh gì, chỉ thấy khó thở, nói không ra tiếng. Hỏi con cái bà H. ở đâu sao không tới lui chăm sóc mẹ già cô đơn, bệnh tật, người mẹ bất hạnh cười buồn hiu: “Tui có ba đứa con, hai gái, một trai nhưng lâu lắm rồi không có đứa nào về thăm tui”. Ông Nguyễn Khắc Huy, trưởng khóm 1, cho biết: “Bà H. có hai đứa con ở tại TP Vĩnh Long, một đứa nghe nói ở TP.HCM nhưng lâu lắm rồi không thấy đứa nào về thăm mẹ”.
Hằng ngày bà H. uống thuốc Nam từ thiện để chống chọi bệnh.
Ảnh: PLTP

Sẽ xét hộ nghèo cho bà H.

Hoàn cảnh của bà H. bi đát như vậy nhưng không được đưa vào diện hộ nghèo, cũng không có bảo hiểm y tế để đi khám, chữa bệnh và không được trợ cấp tiền điện thắp sáng theo quy định. Ngày 30-10, chúng tôi liên hệ với UBND phường 8, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, cán bộ LĐ-TB&XH, tỏ ra ngạc nhiên vì không nghe nói trường hợp này. Bà Huệ cho biết sẽ xác minh cụ thể vụ việc để lập thủ tục đưa bà H. vào diện hộ nghèo trong dịp bình xét cuối năm 2012 để có hướng giúp đỡ. Ông trưởng khóm Nguyễn Khắc Huy lý giải: Trước đây UBND phường đã có hỗ trợ sửa nhà cho bà H. một lần. Trong thời gian bà H. đi làm thuê nơi khác, vợ chồng người em ruột ở giữ nhà, sau đó UBND phường đã xét hộ nghèo cho gia đình người em và xây nhà tình thương (hiện gia đình người em đã ở riêng). Hiện nay khóm đã lập hồ sơ hộ nghèo cho bà H. nhưng chưa thông báo đầy đủ tên họ nên UBND phường chưa nắm được.

Không nuôi dưỡng phải cấp dưỡng

Trong trường hợp bà H. chính quyền địa phương ít nhiều đã có sự quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở đây chưa mạnh dạn giúp bà H. thực hiện những quyền của người mẹ đối với con cái, trong đó có quyền yêu cầu con cái phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Luật khẳng định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng”. Cũng theo luật này, người được cấp dưỡng, Hội Liên hiệp Phụ nữ có quyền tự mình yêu cầu tòa án hoặc đề nghị viện kiểm sát yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Luật còn cho phép: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị viện kiểm sát xem xét, yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”. Như vậy có thể hiểu rằng những người hàng xóm, tổ nhân dân tự quản, hay cán bộ khóm cũng có quyền đề nghị các cơ quan pháp luật giúp đỡ bà H. bằng hành động cụ thể chứ không chỉ là lòng thương xót.

Luật gia MINH TRÍ

* * *

Chăm sóc hộ nghèo là trách nhiệm của địa phương nhưng nói thật, những đứa con của bà H. bỏ mặc mẹ già trong hoàn cảnh cô đơn, bệnh tật không chịu về chăm sóc phụng dưỡng thì thật đáng trách.

NGUYỄN KHẮC HUY
, trưởng khóm 1

Có mấy lần tôi gặng hỏi sao những đứa con của bà H. bỏ mặc mẹ mình thì bà chống chế rằng có lẽ do tụi nó quá nghèo nên không nuôi được. Nhưng theo tôi, nếu những người con bà H. viện lý do nghèo để từ chối nuôi mẹ già bệnh tật là việc làm trái đạo lý.

Ông AN, hàng xóm của bà H.



(Theo PLTP)