Gần đây, tại một số nơi, một số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, thậm chí bán sổ BHXH cho một số “đầu nậu” thu gom…

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng mua gom sổ BHXH không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội sau này. Về lâu dài, người lao động sẽ thiệt thòi bởi không còn quyền được hưởng an sinh khi về già.

{keywords}
Người lao động sẽ thiệt thòi nếu từ bỏ quyền được hưởng an sinh khi về già. Ảnh minh họa

Trong môt cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay, dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho cuộc sống của rất nhiều người lao động, khiến họ bị mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập, khiến họ và gia đình phải sống khó khăn, chật vật… Bởi vậy, nhiều lao động rất cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống của bản thân, gia đình, trong khi sổ BHXH chính là một phần tài sản mà họ đã tích góp được trong quá trình lao động và có giá trị bằng tiền, cho nên không ít lao động sẵn sàng nhận BHXH một lần, nhằm có khoản tiền trang trải cho cuộc sống.

Là đơn vị được giao tổ chức thực hiện chính sách BHXH, cơ quan BHXH thường xuyên tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia vào hệ thống BHXH. Vì vậy, bà Hiền khuyến cáo người lao động cân nhắc thận trọng, cố gắng giữ lại cuốn sổ BHXH, để khi dịch bệnh qua đi, guồng quay công việc trở lại bình thường, người lao động lại đi làm và tham gia BHXH, tiếp tục cộng nối thời gian đóng BHXH.

Bởi “Chỉ có như vậy, khi hết tuổi lao động, họ mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống bản thân và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bà Hiền lưu ý.

{keywords}
Người lao động sẽ thiệt thòi nếu từ bỏ quyền được hưởng an sinh khi về già

Thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, phần lớn người hưởng BHXH một lần là những người tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc và người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm tham gia. Thời gian qua, cơ quan BHXH cũng như các cơ quan chức năng tại địa phương thường xuyên thông tin, cảnh báo người lao động không nên cầm cố sổ BHXH, vì sẽ bị ép giá, chỉ nhận được số tiền có giá trị thấp hơn nhiều so với quyền lợi thực tế được hưởng. Tuy nhiên, mỗi khi doanh nghiệp có khó khăn, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng thì lại nổi lên tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình khó khăn để trục lợi.

Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Do đó, hậu quả của việc thu gom sổ BHXH làm ảnh hưởng BHXH của NLĐ là vi phạm pháp luật. Theo Quy định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp người NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ.

{keywords}
Người lao động sẽ thiệt thòi nếu từ bỏ quyền được hưởng an sinh khi về già

Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Điều 27 Nghị định số 95/2013 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí hành vi cầm cố sổ BHXH của NLĐ, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương kiểm soát chặt chẽ thủ tục hồ sơ, dữ liệu của người tham gia BHXH và các điều kiện hưởng BHXH một lần. Qua đó, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và phối hợp các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, xử lý theo quy định pháp luật.

{keywords}
Người lao động sẽ thiệt thòi nếu từ bỏ quyền được hưởng an sinh khi về già

BHXH Việt Nam cũng lưu ý BHXH các địa phương phải thẩm tra, thống kê những trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ hai người trở lên, kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu mua sổ BHXH. BHXH các tỉnh cũng cần báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp và có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH; điều tra, kết luận xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điển hình. Cảnh báo đến người dân, người lao động để không bị lôi kéo, xúi giục bán sổ BHXH; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm…

Theo bà Hiền, thời gian tới, Luật BHXH năm 2014 sẽ được xem xét sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho người lao động khi tham gia BHXH.

{keywords}
Người lao động sẽ thiệt thòi nếu từ bỏ quyền được hưởng an sinh khi về già

Theo đó, sẽ thắt chặt thủ tục hưởng BHXH một lần; phải cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm nguyên tắc đóng hưởng; có sự chia sẻ của các thế hệ người lao động tham gia BHXH… Vì vậy, cơ quan BHXH luôn chú trọng công tác tuyên truyền tới người lao động, để họ hiểu rõ bản chất của BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội và yên tâm rằng quỹ hưu trí, tử tuất luôn luôn được bảo tồn, tăng trưởng. Đặc biệt, với người lao động hưởng lương hưu thì trong quá trình hưởng còn được tăng giá trị mức lương hưu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước.

Đồng thời, để có căn cứ pháp lý trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách BHXH, trong đó có BHXH một lần, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Luật BHXH từ năm 2016 đến nay; đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Trên cơ sở đó, trong lần sửa đổi bổ sung Luật BHXH tới, BHXH Việt Nam sẽ có những đề xuất giải pháp, nội dung cụ thể báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội lâu dài đối với mọi người lao động.

TP HCM: Gần 80 nghìn hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp

TP HCM: Gần 80 nghìn hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tính đến hết tháng 5/2020, đã có hơn 77 nghìn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, số lượt lao động được TP giải quyết việc làm là gần 120 nghìn.  

Như Sỹ
Ảnh: Văn Điệp