Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân thuận lợi, triển khai được nhiều hình thức
Sau ngày đầu các địa phương đồng loạt ra quân, vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, đã vận đọng được 24.704 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, có 17 tỉnh phát triển được trên 500 người tham gia. Song song đó, nhiều địa phương cũng đã phát triển được hàng nghìn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Những kết quả ấn tượng trên đạt được nhờ bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, với các câu thông điệp truyền thông gần gũi, thân thiện, truyền tải được giá trị nhân văn của chính sách, sự quan tâm chăm lo của Đảng Nhà nước đối với người dân, sự quyết tâm chính trị thực hiện Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân của cả hệ thống chính trị…
Công tác truyền thông về Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được tăng cường để nhiều người dân nhận biết về giá trị, lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Ảnh minh họa. |
Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động ngày càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, qua đó, các hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới nên việc tổ chức các hoạt động trong Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân được thuận lợi, triển khai được nhiều hình thức.
Dồn sức tăng độ bao phủ
Người lao động ngày càng thấm tầm quan trọng tham gia BHXH |
Có thể thấy những năm qua, công tác truyền thông về Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được tăng cường để nhiều người dân nhận biết về giá trị, lợi ích của loại hình bảo hiểm này.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn theo các mốc: 30% với người nghèo, 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Sự hỗ trợ này đã góp phần tăng thêm tính hấp dẫn đối với người dân.
Tuần hành tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện trên các tuyến đường TP. Mỹ Tho. |
Ngoài ra, tùy theo mỗi địa phương cũng có mức hỗ trợ thêm cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhờ vậy, con số gia tăng người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2019 đã tăng rất lớn.
Cụ thể nếu như năm 2017, có 224.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đến năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, chiếm 32,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, riêng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 574.000 người, (chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đáng chú ý, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới năm 2019 bằng tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước.
Ra quân tuần hành tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. |
Năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm ít nhất 300.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia lên ít nhất 800.000 người.
Tuy nhiên, do khó khăn của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, số người tham gia hình thức bảo hiểm này đã giảm 16.000 người so với năm 2019. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội ự nguyện trong năm 2020. Song với quyết tâm đạt được mục tiêu đặt ra Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện; phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân…
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đa dạng các hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Nguyễn Bổng
Ảnh: Hữu Duyên