1a.jpg
Nhiều người khuyết tật vẫn thường xuyên kiến nghị về chuyện khó truy cập và tiếp cận thông tin từ các website của CQNN. Ảnh: THANH HẢI

Quy định đã có, vẫn khó tiếp cận

Từ năm 2009, Bộ TT&TT đã ban hành 2 Thông tư liên quan tới việc hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng các website/portal của CQNN gồm Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy nhập thuận tiện đối với website của CQNN và Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT ngày 19/4/2009 quy định việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ hỗ trợ NKT tiếp cận sử dụng CNTT-TT.

Mới đây nhất, tháng 6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website/portal của CQNN (chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2011), trong đó yêu cầu các website/portal của CQNN phải đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng CNTT-TT theo quy định của Bộ TT&TT.

Thế nhưng trên thực tế, trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Hoàng Mộc Kiên, chuyên gia kỹ thuật Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam cho biết: Nhiều người khiếm thị vẫn thường xuyên kiến nghị về chuyện khó truy cập và tiếp cận thông tin từ các website của CQNN. Hầu hết website/portal của CQNN vẫn chỉ nhắm đến đối tượng người sáng mắt nên được thiết kế theo logic bất lợi cho người khiếm thị, chẳng hạn giao diện được phân bổ thành các khối, bảng, biểu bao quát khắp màn hình, người sáng mắt có thể nhìn tổng thể rồi dừng lại ở những vị trí mình thích; trong khi người khiếm thị phải tiếp nhận thông tin từ website/portal qua phần mềm sử dụng công nghệ tổng hợp tiếng nói để đọc tuần tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải màn hình. Cần lưu ý, trong số những NKT thì người khiếm thị yếu thế nhất trong việc tiếp cận thông tin trên các website/portal (người khiếm thính và người khuyết tật vận động vẫn có thể chủ động đọc được những thông tin hiển thị mà không cần đến sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ như người khiếm thị).

Tiền lệ “phá rào cản”

Website Bộ TT&TT (http://mic.gov.vn) là website Bộ/ngành đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng một số tiêu chí cơ bản của tiêu chuẩn WCAG (Web Content Accessibility Guidelines) 2.0 – hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng các dịch vụ cung cấp trên website - do Tổ chức W3C (World Wide Web Consortium) ban hành.

Trong đó đáng lưu ý nhất là một số tính năng hỗ trợ người khiếm thị. Hiện tại, người khiếm thị có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin trên website Bộ TT&TT bởi website đã được xử lý lại phần nội dung theo mã chuẩn HTML nhằm đạt được yêu cầu đọc bằng phần mềm đọc màn hình hỗ trợ người khiếm thị (JAWS). Với bất kỳ bài viết nào có trên website, độc giả cũng có thể tiếp nhận đầy đủ thông tin bằng công nghệ đọc bài viết Text to Speech với chất lượng âm thanh tốt. Hiện chưa có website Bộ, ngành nào áp dụng thành công công nghệ này. Một số trang tin, website báo chí sử dụng âm thanh đọc bài viết hiện nay theo cách truyền thống (audio), thời gian xử lý chậm hơn và hiệu quả không cao.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho NKT thì thành quả nêu trên của Bộ TT&TT còn có vai trò đặc biệt quan trọng là tạo tiền lệ và “đánh động” các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước khác triển khai việc hỗ trợ NKT truy cập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến có trên website/portal.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai hỗ trợ NKT truy cập website/portal CQNN, ông Đỗ Tiến Thắng, Trưởng Phòng Trang Thông tin điện tử, Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT gợi ý các Bộ, ngành, CQNN cần phải thu hút được sự phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia về hỗ trợ NKT thì mới có thể đạt được kết quả và NKT mới có thể sử dụng được những sản phẩm đã làm ra. 

Ông Thắng dẫn chứng ngay kinh nghiệm của Bộ TT&TT, từ tháng 5/2010, Bộ TT&TT chính thức hợp tác với Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam (Viet Nam Assistance for the Handicapped - VNAH) hỗ trợ nâng cấp website của Bộ nhằm hỗ trợ NKT sử dụng một cách thuận tiện, dễ dàng hơn. Chương trình JAWS thực chất cũng xuất phát từ kiến nghị của ông Hoàng Mộc Kiên, Và ông Kiên cũng đã nhiệt tình phối hợp, kiểm tra (test) thử chương trình JAWS nhằm phục vụ tốt nhất cho việc sử dụng website/portal của NKT.

Đừng phức tạp hoá vấn đề

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ của các CQNN trong việc hỗ trợ NKT tiếp cận website/portal là sự lo ngại sẽ phải phát sinh một khối lượng lớn công việc, gây tốn kém chi phí, thời gian, nhân lực..

Tuy nhiên, ông Kiên khẳng định mọi chuyện không đến mức phức tạp như vậy. Không cần đặt ra vấn đề to tát rằng phải thiết kế riêng website/portal hoặc các công cụ tiện ích cho NKT. Chỉ cần các website được thiết kế tuân thủ các chuẩn như HTML, XML… thì người khiếm thị cũng có thể sử dụng phần mềm đọc để tiếp cận, khai thác các thông tin có trên website/portal. Chẳng hạn như website docbao.vn hoặc website Ngân hàng Tín Nghĩa không được thiết kế với mục đích hỗ trợ NKT nhưng người khiếm thị vẫn có thể dễ dàng “đọc” được bằng phần mềm bởi người thiết kế website đã chịu khó mất công làm đúng theo tiêu chuẩn.

“Thời gian qua, nhiều người, nhiều nơi đề cập tới chuyện “rào cản” truy cập thông tin website/portal cho NKT nhưng không thực sự hiểu được cốt lõi của vấn đề nên rốt cuộc lại làm phức tạp hoá vấn đề. Trên thực tế đã có một số hội thảo mời các Bộ, ban, ngành đến tham gia góp ý để nâng cao hiệu quả hỗ trợ NKT tiếp cận, ứng dụng CNTT-TT, song đến giờ không hiểu các Bộ đang triển khai đến đâu. Dường như họ vẫn hơi mơ hồ về những chi tiết kỹ thuật và chưa thực sự biết nên hoặc phải làm những gì”, ông Kiên băn khoăn.

 

Ông Hoàng Mộc Kiên, chuyên gia kỹ thuật Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam

“Hiện ít NKT có nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên website/portal của CQNN. Tuy nhiên, về lâu dài, với xu hướng ngày càng nhiều NKT muốn hoàn thiện mình hơn và hoà nhập bình đẳng vào cộng đồng xã hội thì các CQNN cần chú trọng tới vấn đề này để tiến tới xoá “rào cản” tiếp cận website/portal cho tất cả mọi người”.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 149 ra ngày 14/12/2011.