Người Hàn Quốc từng gọi nước Mỹ với biệt danh “Miguk”, có nghĩa là “đất nước xinh đẹp”, cái tên thể hiện rõ sự ngưỡng mộ của người dân nước này đối với đồng minh lâu đời của họ phía bên kia Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây, điều này đã trở thành quá khứ.
Bùng nổ những hoài nghi
Những ngày này, các đài truyền hình Hàn Quốc thường xuyên đưa tin về Mỹ bằng một cái nhìn tiêu cực, với hình ảnh hàng loạt người Mỹ vây quanh các tòa nhà để chờ được xét nghiệm Covid-19, hoặc những biểu đồ mô tả sự gia tăng theo cấp số nhân số ca tử vong bởi Covid-19.
Nhiều tờ báo Hàn còn đặt nghi vấn về sức mạnh của nền dân chủ tại Mỹ sau cuộc bầu cử 2020. Một bài viết gần đây trên tờ Hankyoreh đã giật tít: “Covid-19 và sự sụp đổ của nước Mỹ”, trong khi một bài viết khác trên tuần báo Sisajournal đã đặt câu hỏi: “Hệ thống bầu cử đáng kinh ngạc này khiến bạn phải tự hỏi: Mỹ có thực sự là một quốc gia dân chủ hay không?”.
Vị thế của nước Mỹ đang ngày một suy giảm trong mắt người dân Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Và thậm chí, điều này không chỉ xuất hiện trên các bản tin hàng ngày. Trong các phòng họp, lớp học hay trong cả những bữa ăn, người Hàn Quốc gần đây thường tán gẫu về một chủ đề mang đầy tính bi quan: Làm thế nào nước Mỹ lại trở nên lạc lối đến vậy?
Theo Politico, đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc với một quốc gia mà suốt nhiều thập kỷ, phần nhiều đều xem Mỹ như một “người anh lớn”, một hình mẫu thành công và tiến bộ mà người dân trong nước có thể học hỏi. Giờ đây, nhiều người Hàn Quốc xem Mỹ như một quốc gia lụn bại, bị chia rẽ sâu sắc và không thể đối mặt với những thách thức cơ bản nhất.
Sự thay đổi trên lên tới đỉnh điểm trong năm nay, trước những phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với dịch Covid-19, cùng những nỗ lực gần đây của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa trong việc thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Đối với người Hàn Quốc, năm vừa qua đã phơi bày những vấn đề sâu xa trong hệ thống chính trị-xã hội của Mỹ, từ những chia rẽ mang tính đảng phái, sự mất niềm tin sâu sắc của người dân vào chính phủ, đến hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém.
Những vấn đề này vốn đã quen thuộc với người Mỹ, nhưng còn xa lạ với phần nhiều người Hàn Quốc, những người vẫn duy trì lý tưởng về “chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ” một cách lâu dài và sâu sắc hơn cả chính người Mỹ.
Tỷ lệ ưa thích suy giảm mạnh
Theo Lee Hyun-song, giáo sư khoa biên-phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, sự ngưỡng mộ đối với Mỹ đã giảm đi phần nào khi Hàn Quốc, từ một trong những nước nghèo, vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.
Tuy nhiên, giáo sư Lee cho rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đặc biệt là năm 2020, mới thúc đẩy mạnh mẽ tâm lý trên, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ tại Hàn Quốc, những người đang bày tỏ lòng tự tôn dân tộc lớn hơn và muốn bớt lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ.
“Từng có một niềm tin mạnh mẽ rằng có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ nước Mỹ. Nhưng niềm tin đó đã sụp đổ sau khi ông Trump đắc cử. Khi chứng kiến nước Mỹ đang chật vật trong việc phòng chống dịch Covid-19, còn truyền thông nước này thì liên tục đưa tin người dân bất tuân các lệnh đeo khẩu trang bắt buộc, chúng tôi dần nhận ra rằng Mỹ không còn là một quốc gia “phát triển” hơn chúng tôi”, ông Lee Hyun-song cho biết.
Trong lịch sử, Hàn Quốc luôn là nước duy trì mối quan hệ thân thiện với Mỹ. Theo kết quả một cuộc khảo sát của BBC năm 2013, người Hàn Quốc nhìn nhận Mỹ với thái độ tích cực nhất trong số tất cả các quốc gia châu Á được khảo sát.
Mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn vốn được hình thành từ những năm 1950, khi Mỹ là nước kết thúc tình trạng chiến tranh và ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Từ những năm 1970, hai nước đã trở thành đối tác thương mại thân thiết. Hàn Quốc là nước cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ trong năm 2019.
Giáo dục Mỹ từ lâu cũng được xem là “tiêu chuẩn vàng” ở Hàn Quốc, là “giấy thông hành” cần thiết cho giới thượng lưu hoặc cơ hội “đổi đời” đối với những người có điều kiện xuất ngoại. Mỹ cũng được xem như điểm đến lý tưởng thứ 2 đối với các du học sinh Hàn Quốc.
Cũng có những thời điểm “tư tưởng bài Mỹ” bùng phát một cách mạnh mẽ trong lịch sử Hàn Quốc, nhưng hầu hết chỉ tồn tại thời gian ngắn và chỉ nhắm vào các cá nhân, tổ chức cụ thể.
Tuy nhiên, những chỉ trích hiện nay nhắm vào Mỹ đã mang tính rộng rãi và cơ bản hơn. Người Hàn Quốc đang bắt đầu nghi ngờ chính hình ảnh của nước Mỹ như một ngọn hải đăng của sự thịnh vượng và tiến bộ, cũng như vị thế của nước này trong vai trò một siêu cường thế giới.
Một khảo sát Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, tỷ lệ ưa thích nước Mỹ của người Hàn Quốc đã giảm từ 80% vào năm 2018 xuống chỉ còn 59% vào năm 2020.
Sự thay đổi trên còn được biểu hiện rõ trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc. Các phóng sự và phân tích tình hình nước Mỹ của các đài truyền hình, hãng thông tấn của nước này phần lớn đều mang tính chỉ trích.
Không còn ủng hộ vô điều kiện
Trong một bài viết được đăng tải trên trang tin của đài truyền hình nhà nước Hàn Quốc KBS hôm 9/11, nhà báo Kim Won-jang, người từng có thời gian du học tại Mỹ vào năm 1993 và đưa cả gia đình đến nước này vào năm 2012, đã đặt câu hỏi: Liệu “Mỹ có thực sự còn là quốc gia số một hay không?”, khi nước này thậm chí còn không thể quản lý nổi cuộc bầu cử tổng thống.
Bên cạnh đó, Kim Won-jang còn so sánh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 với cuộc bầu cử năm 2008. Đó là thời điểm truyền thông Hàn Quốc hầu như có sự đồng thuận rằng, cuộc bầu cử này là thời điểm vị thế của tổng thống Mỹ được nâng tầm, trong khi danh tiếng về sự tiến bộ và đổi mới của nước Mỹ được củng cố.
Song điều tương tự khó có thể được lặp lại trong năm nay, khi những chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ đang phải trả giá bằng niềm tin vào các biện pháp sức khỏe cộng đồng, cũng như kết quả của cuộc bầu cử. Dẫu vậy, ông Kim tin rằng Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì mối quan hệ liên minh với Mỹ, trước hết để kiềm chế tầm ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực.
Sự gần gũi giữa 2 quốc gia vẫn được thể hiện ở việc mỗi năm, người Hàn Quốc sẵn sàng chi trả cho các thương hiệu đắt đỏ của Mỹ. Có tới 3,3 triệu người tại Hàn Quốc đang sử dụng dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, và thương hiệu cà phê Starbucks mỗi năm vẫn thu về khoảng 1 nghìn tỷ Won tại thị trường nước này.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ khó có thể tiếp tục là một điểm đến thu hút đối với người nhập cư và du học sinh Hàn Quốc. Trước các chính sách cấp thị thực có phần nghiêm ngặt và phức tạp hơn dưới thời Tổng thống Trump, số lượng sinh viên Hàn Quốc xin vào Mỹ đã giảm tới 23%.
Theo Politico, Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là có khả năng tạm hoãn hoặc đảo ngược các chính sách đối với Hàn Quốc của Tổng thống Trump, đồng thời khôi phục và hàn gắn quan hệ. Tuy nhiên, một số chính sách và quan điểm khó có thể được phục hồi như trước.
“Một điều rõ ràng hơn, là người Hàn Quốc sẽ không ủng hộ nước Mỹ một cách vô điều kiện như họ đã từng làm trước đây”, giáo sư Lee Hyun-song nhận định.
Việt Anh
Thời kỳ kết thúc đại dịch Covid-19 đã bắt đầu
Washington Post nhận định, thời điểm kết thúc của dịch Covid-19 đã bắt đầu, nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào xuất phát điểm của từng nước.
Trung Quốc lại 'ăn miếng trả miếng' Mỹ
Trung Quốc vừa ban hành một số luật mới hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ nhạy cảm nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.