Người Hà Nội rất mộng mơ nhưng cũng rất thực tế. Những giấc mơ không tưởng ắt sẽ làm người Hà Nội chê cười nhưng giấc mơ bé nhỏ mà khả thi hẳn cũng làm người Hà Nội đồng thuận và sẵn lòng bắt tay vào thực hiện nay mai.
LỜI TÒA SOẠN:
Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thế hệ cha ông năm xưa dành cả tuổi xanh đầy nhiệt huyết lên đường kháng chiến với lời thề "sẽ có ngày trở về Hà Nội", nay người còn, người mất, nhưng những ký ức vẫn vẹn nguyên cảm xúc đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường.
Cách đây 70 năm, tháng 9/1954, cha tôi về tiếp quản Bưu điện Hà Nội đã báo tin cho mẹ: “Nhà mình được về Thủ đô vào ngày 10/10, sau 9 năm theo cụ Hồ đi kháng chiến, giấc mơ đã thành hiện thực”. Và hôm nay chúng tôi lại mơ về ngày mai…
Hà Nội tháng 10/2024: “Bão lũ đã đi qua, sông Hồng còn ở lại”
Đó là tên bài tham luận của tôi khi tham gia Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - Kiến trúc và phát triển đô thị (1954 - 2024)” do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức vào ngày 1/10/2024.
Mỗi khi nghĩ tới Hà Nội, nhiều người nhớ tới sông Hồng, cầu Long Biên… Còn tôi nghĩ tới sông Hồng là nghĩ đến mẹ - ơn sâu nghĩa nặng. Sông Hồng với tôi chất chứa bao nỗi niềm, thấy dòng sông là tôi nhớ đến cha tôi - chiến sĩ tự vệ Bưu Điện tham gia trận đánh đầu tiên, ngày Hà Nội vùng đứng lên chống lại quân xâm lược bạo tàn. Khi chiến sự ác liệt, tự vệ Bưu điện được lệnh rút lui, trả lại trận địa cho đơn vị Vệ Quốc đoàn đang chiến đấu từ Bắc Bộ phủ rút qua. Cha tôi bò qua đường phố dày đặc làn đạn để xuống mép nước Hồ Gươm, di chuyển lên chiến luỹ đầu phố Hàng Đào… Ít ngày sau, cha tôi qua ngả sông Hồng lên chiến khu, công tác tại Bưu điện liên khu 10 (vùng Thanh Ba, Phú Thọ). Tôi hình dung cha tôi để lại sau lưng bầu trời Hà Nội đỏ cháy, lao vào màn đêm phía trước với bao gian khó, hiểm nguy trực chờ. Nhưng người Hà Nội như cha tôi vẫn ra đi, đi suốt cuộc trường chinh cho tới ngày về ca khúc khải hoàn.
Từ Thanh Ba (Phú Thọ), mẹ tôi đưa anh chị tôi tới bến đò Vũ Ẻn, xuôi sông Hồng cập bến Hà Nội. Từ mạn thuyền trên sông Hồng nhìn về Hà Nội rực rỡ ánh đèn, các chị tôi hỏi “Mẹ ơi, ở chỗ kia có các vì sao đang rơi xuống đất ?”. Mẹ tôi lúc ấy đã nhòe nước mắt vì vui mừng, buồn tủi vì lo lắng cho những ngày sau, rằng bao năm xa cách ai còn ai mất, cơ ngơi nhà cửa trôi dạt nơi nao? Giấc mơ của mẹ tôi lúc ấy giản dị như bao người Hà Nội khác: mong cho mọi việc bình an, có mái nhà nương náu, có cơm ăn áo mặc. Những ước ao bé mọn bình lặng như sông Hồng chảy trôi giữa dòng đời xuôi ngược.
Khi mới 5 tuổi (năm 1964) tôi được cha cho lên cầu Long Biên nhìn xuống sông Hồng. Những xoáy nước liên hồi làm tôi chóng mặt, những cánh buồm nâu lừng lững lướt trên dòng nước. Những năm chiến tranh phá hoại, tôi như bao đứa trẻ Hà Nội qua Long Biên vượt sông Hồng về những miền quê sơ tán, không ít lần vỡ òa khi trở lại sông để về Hà Nội nghỉ Tết, nghỉ Hè. Trong “những năm bom đạn vàng như lúa đồng/bát cơm hạt gạo thơm hào giao thông” (thơ Trần Đăng Khoa), người Hà Nội chỉ mong không còn bom đạn, chia ly. Có năm nước lớn (1971) nhìn sông Hồng mênh mông, người Hà Nội cũng chỉ ước ao nước rút, bởi dâng cao nữa mà vỡ đê thì cũng không biết chạy đâu…
Hà Nội với giấc mơ thành phố sông hồ
Mấy chục năm qua nước sông cạn dần, lộ ra những bãi đất ven sông, rộn ràng những dự án thành phố bên sông, lấn sông làm quận nghệ thuật, công trình sáng tạo, nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp công nghệ cao… Những dự án từng bước được hiện thực hoá bằng các quy hoạch, đưa vào Luật Thủ đô, dự thảo Điều lệ quản lý quy hoạch. Nước sông Hồng ít nên không còn chảy tự nhiên vào các sông Đáy, Nhuệ, Cà Lồ, Ngũ huyện Khê, Bắc Hưng Hải. Sông cạn lắng bùn thải ô nhiễm, nước mặn từ biển chảy ngược tới Nam Hà Nội. Có năm cạn nước quá phải chạy máy bơm dã chiến, nguy cơ khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm hiện rõ, mạnh hơn từng ngày…
Nhưng, giấc mơ xây dựng phố bên sông, trang trại trên đất bãi nổi, bãi giữa còn mạnh hơn.
Đầu tháng 9/2024, cơn bão Yagi ập đến, nước sông đầu nguồn dâng cao, chảy về mạnh hơn năm 1971. Nhìn sông Hồng cuồn cuộn chảy, người Hà Nội lo lắng và lại ước ao cơn bão qua đi, nước lũ đừng lên nữa.
Cũng may đầu nguồn sông Đà mưa nhỏ, hồ thuỷ điện chứa 10 tỷ mét khối ở độ cao 65 mét không phải xả lũ, nước đổ về hồ Thác Bà chậm lại, nên sông Hồng đoạn qua Hà Nội rút nước dần. Qua cơn bão lũ, Hà Nội bừng tỉnh và ước ao giữ nguyên không gian nước chảy, không xây gì ngoài đê nữa, mà xây thành phố mới phía Bắc, phía Tây, phía Nam Hà Nội để đưa bà con vào đó sống an toàn. Khi sông Hồng nước nhiều thì cất đỡ vào sông hồ trong đồng, khi nước cạn thì có nước sạch đủ dùng. Hà Nội trở thành thành phố sông hồ đẹp đẽ, sông hồ đầy ắp nước sạch quanh năm. Hà Nội giàu tài nguyên đất và nước. Còn giấc mơ nào đẹp hơn thế?
Hà Nội đường sá thênh thang
Đó là giấc mơ khắc khoải của người Hà Nội khi hàng ngày phải chôn chân hàng giờ trên các ngả đường tắc tị, lại thêm bì bõm vì đường ngập úng lúc mưa to. Để thoả mãn giấc mơ ấy, các thợ vẽ phóng bút vẽ ra nhiều cây cầu bắc qua sông, vẽ hàng trăm cây số đường sắt, các nhà buôn tung ra những viễn cảnh cầu mới, đường mới sắp mở, rồi hàng loạt dự án bất động sản ở nơi nơi, và lờ đi câu hỏi Hà Nội lấy tiền đâu ra để làm việc ấy?
Nếu không có hàng chục tỷ USD để mơ mộng cao xa, Hà Nội có thể thực hiện ngay giấc mơ thực tế là nâng cấp hoán đổi hơn 100km đường sắt liên tỉnh sẵn có thành đường sắt ngoại ô, khai thác nâng cấp ngay 3 cây cầu có sẵn đường sắt qua sông (cầu Thăng Long, cầu Đuống, cầu Long Biên), hàng ngày có thể chuyên chở hàng triệu lượt hành khách đi từ ngoài vào ra trung tâm thành phố.
Hà Nội có thể làm mới hàng chục km Skybus kết nối với 20km tuyến đường sắt đô thị hiện có và gần 100km đường sắt ngoại ô. Hàng triệu hành khách đi tàu sẽ bỏ xe máy, ô tô ở nhà, đường sá sẽ thênh thang nhanh chóng.
Ô tô xe máy tha hồ chạy trên đường, nhưng phải trả tiền thật cao nếu đỗ xe trên phố hay chạy vào trung tâm. Tiền thu được sẽ dành để làm đường buýt trên cao, tàu ngoại ô hiện đại hoá.
Người Hà Nội rất mộng mơ nhưng cũng rất thực tế. Những giấc mơ không tưởng ắt sẽ làm người Hà Nội chê cười, nhưng những giấc mơ bé nhỏ mà khả thi hẳn cũng làm người Hà Nội đồng thuận và sẵn lòng bắt tay vào thực hiện nay mai.
Skybus là loại hình vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus chạy trên tuyến đường trên cao tách riêng làn, đỗ ở các ga trạm như ga tàu điện trên cao). Đây là loại hình vận tải công cộng chi phí đầu tư thấp, có kết cấu đường tương tự như cho đường sắt trên cao, nhưng dùng xe bus. Khi tích tụ đủ lượng khách lớn ( trên 20.000 khách đi lại/giờ/ hướng) hoặc thành phố có đủ tiền đầu tư hay tự chủ được công nghệ thì lắp đường ray, mắc điện để chạy tàu.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QH-KT), quy hoạch phải luôn đi trước, có chất lượng cao và phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững.
Quy hoạch cho một thành phố đang đô thị hóa nhanh không thể là một tầm nhìn ngắn hạn - ý kiến tại diễn đàn Việt - Pháp "Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam".
“Cả nhà tôi đều quan tâm đến bản quy hoạch này vì tôi biết rằng, khu vực nhà mình rất dễ 'dính'. May quá, thấy phần đất nhà mình lại được tô màu xanh, trồng cây xanh thế này thì giờ cả nhà chuẩn bị về ăn mừng”.