“Báo động đỏ” ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng cho biết, suốt hơn 1 tháng qua, bầu không khí tại TP Hà Nội liên tục trở thành “điểm nóng” ô nhiễm. Có những ngày chỉ số ô nhiễm không khí đã vươn lên đứng đầu thế giới, một chỉ số không mấy có gì đáng… tự hào. Bầu không khí “đặc quánh” khói bụi, mù mịt che khuất tầm nhìn và các chỉ số độc hại luôn ở mức báo động đỏ.
Ví dụ ngày 8/12, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên thế giới IQAir đã xếp TP Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới (AQI trung bình 200 đơn vị). Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó ngày 29/11, Hà Nội cũng bị IQAir xếp vào vị trí ô nhiễm thứ hai thế giới.
Anh Trần Đình Dũng, cư dân tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính chia sẻ: Dù trời đã gần trưa mà bầu trời cứ vẩn đục và u ám. Ban đầu cứ ngỡ sương mù, nhưng khi xem chỉ số bụi mìn và các khuyến cáo thời tiết thì mới biết là do ô nhiễm không khí. “Đây là cảm nhận bằng mắt thường khi đứng từ ban công nhìn ra ngoài, còn nếu mở cửa sổ thì sẽ có cảm giác khó thở khi bầu không khí bị phủ lớp trắng đục và đôi khi có mùi lạ”, anh Dũng cho biết.

Cũng theo anh Dũng, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ô nhiễm bụi mịn khác với sương mù, nhất là trong những ngày nồm khi bầu không khí không ẩm ướt nhưng lại quánh đặc, cảm giác rất ngột ngạt, nhớp nháp vô cùng khó chịu. “Từ 3 năm trước tôi đã phải tự sắm lấy 2 chiếc máy lọc không khí kết hợp hút ẩm để ở phòng khách và phòng ngủ. Nhưng cuộc sống không thể lúc nào cũng cửa đóng then cài, ở nội đô ngột ngạt khiến tôi luôn cảm thấy khó thở và thèm cái cảm giác thoáng đãng trong lòng như hồi ở quê ngày xưa”, anh Dũng cám cảnh.
Khó cải thiện chất lượng không khí?
Theo TS Dương Hoàng Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội và một số tỉnh chủ yếu do 4 nguồn khí thải: từ phương tiện giao thông, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt rác, từ các làng nghề, từ hoạt động xây dựng.
Về bản chất, các tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội rất khó triệt tiêu trong thời gian tới. Ví dụ, khói thải trong sản xuất công nghiệp, khói thải của phương tiện giao thông trong nội đô do có mật độ quá cao được cộng hưởng bởi những ngày sương mù và nồm ẩm thì không thể khắc phục. Bởi riêng lượng phát thải từ các phương tiện giao thông đang có chiều hướng gia tăng chứ không giảm đi.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, toàn thành có khoảng 6,5 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô lưu thông hằng ngày, nên lượng phát thải lượng khí độc hại là rất lớn. Nhiều người dân khi tham gia giao thông dù đeo khẩu trang nhưng sẽ cảm nhận rõ nhất sự cay mắt, chảy nước mũi, ho hắng như tham gia giao thông. Đặc biệt những người có tiền sử các bệnh về hô hấp như” viêm xoang, dị ứng cơ địa, viêm phế quản… thì cảm nhận rất rõ mức độ sự nguy hại của ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Trong các chất độc hại ấy, bụi mịn PM2.5, hay còn được gọi là “bụi tử thần” là kẻ thù số một với người mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Đơn cử, mỗi năm TP Hà Nội có hơn 1.000 ca bệnh tim mạch liên quan tới ô nhiễm không khí, chiếm 1,2% tổng số ca nhập viện do bệnh tim mạch và có 2.969 ca bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí.
Đi tìm các giải pháp, UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai một số biện pháp “đối phó” với ô nhiễm không khí như: trồng 1 triệu cây xanh (đã hoàn thành), hạn chế phương tiện cá nhân (chưa thể triển khai), khuyến khích người dân chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện chạy bằng năng lượng sạch (bus điện); di dời các nhà máy ra ngoại thành (đang thực hiện); giám sát các hoạt động xây dựng (chưa hiệu quả)…
Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh và các giải pháp kể trên mới dừng ở hiệu quả nhất định nên chất lượng không khí tại Thủ đô vẫn ngày một xấu đi và người dân thì vẫn phải chịu trận “sống chung với ô nhiễm”.