Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình khá giả cũng sẽ được dạy dỗ để trở nên giàu có như cha mẹ chúng, kể cả khi những đứa trẻ đó là con nuôi. 

Gần đây, mỗi nghiên cứu mới về sự dịch chuyển xã hội càng bào mòn thêm câu chuyện về chế độ trọng dụng người tài mà người Mỹ thường kể cho nhau nghe; và mỗi nghiên cứu lại cung cấp thêm bằng chứng cho việc cuộc sống thoải mái đã được để dành sẵn cho những người mà các nhà xã hội học gọi là kẻ chiến thắng xổ số cuộc đời. Tuy nhiên, mới đây lại có gợi ý rằng kết quả của trò xổ số này vẫn có thể bị thao túng kể cả sau khi những quả bóng đánh số quyết định sự bất bình đẳng đã được bốc thăm.

{keywords} 

Môi trường là một yếu tố quan trọng, và nó có thể điều khiển được. Chẳng hạn, một nghiên cứu của trường Havard cho thấy việc di chuyển những gia đình nghèo khó tới một khu dân cư tốt hơn sẽ giúp tăng cơ hội đáng kể cho những đứa trẻ thoát khỏi đói nghèo khi chúng lớn lên.

Việc những đứa trẻ trong các gia đình giàu có khi trưởng thành cũng trở thành người giàu có đã được ghi chép lại rất rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu vì sao và làm cách nào mà điều đó có thể xảy ra. Có lẽ chúng lớn lên thành người giàu có bởi chúng thừa kế những kỹ năng và phẩm chất nhất định, ví dụ như xu hướng mang tiền đi gửi tiết kiệm. Cũng có thể đa phần lý do là bởi những bậc phụ huynh khá giả đầu tư hơn vào việc giáo dục con cái và giúp đỡ chúng có được những công việc trả lương cao. Vậy tóm lại nguyên do là bởi tự nhiên hay do con người tạo nên?

Một nghiên cứu mới của các nhà kinh tế học tại trường Đại học Texas ở Austin, Đại học Cao đẳng Dublin và Đại học Lund (ở Thụy Điển) đã cho chúng ta câu trả lời. Họ nghiên cứu giá trị tài sản ròng của những người Thụy Điển được nhận nuôi sinh ra vào những năm 1950, 1960 và 1970, sau đó so sánh chúng với giá trị tài sản ròng của cả cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi của họ. (Tại Thụy Điển, mọi trường hợp nhận con nuôi đều được sắp xếp thông qua nhà nước, vì thế họ có dữ liệu của tất cả những người liên quan và điều này không đi ngược lại với chế độ theo dõi tài sản công dân của nước này.)

Đối với những đứa trẻ được nuôi nấng bởi cha mẹ ruột của mình, sự tương quan giữa sự giàu có của cha mẹ với sự giàu có trong tương lai của người con là khá cao – với kết quả là 0,33. (Tương quan bằng 0 có nghĩa là sự giàu có của cha mẹ không có mối liên hệ nào với sự giàu có của con cái, và tương quan bằng 1 chỉ ra rằng sự giàu có của cha mẹ và con cái là như nhau.).

Đối với những đứa trẻ được nhận nuôi thì sự tương quan có những điểm khác biệt: Tương quan giữa con nuôi và cha mẹ ruột thì thấp hơn (chỉ khoảng 0,13), trong khi đó tương quan giữa con nuôi và cha mẹ nuôi rơi vào khoảng giữa (0,23). Những con số này cho thấy những đứa trẻ với tương lai thành công về mặt tài chính có nền tảng từ gia đình mà chúng được nuôi dưỡng hơn là nhờ có các năng lực mà chúng được thừa kế.

Vậy chính xác thì việc được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu có sẽ giúp ích gì cho việc cải thiện tình hình kinh tế? Nghiên cứu sâu hơn các dữ liệu đã đưa ra những kết quả khả quan, nhưng vẫn không đủ để đi đến kết luận. Các nhà nghiên cứu chỉ có thể dự đoán rằng, việc dạy trẻ con cách mua bán cổ phiếu, giữ liên hệ với các chuyên gia hay chi trả học phí cho trẻ đến học ở trường tư đều không phải là yếu tố tác động đến tương lai đứa trẻ. Thay vào đó, một yếu tố đóng vai trò quan trọng có thể là việc các đứa trẻ khá giả hơn thường có xu hướng tiết kiệm tiền. Hoặc là, theo như lời các nhà nghiên cứu, những bậc phụ huynh giàu có hơn trao cho con cái của họ nhiều tiền hơn (và ít nợ nần hơn).

Nghiên cứu này tất nhiên không tránh khỏi những mặt hạn chế. Điểm hạn chế lớn nhất là cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi thường có lý lịch rất khác nhau. Những cha mẹ ruột trong mẫu điều tra trung bình sở hữu khoảng 36.000 đô, trong khi đó cha mẹ nuôi trung bình sở hữu khoảng 122.000 đô. (Cả hai số liệu trên đều được tính bằng đơn vị đô-la ngày nay.) Vì thế, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được kết quả của việc những đứa trẻ từ một gia đình nghèo được nuôi dạy bởi một gia đình giàu có hơn, nhưng lại không điều tra được điều ngược lại – tình trạng tài chính trong tương lai của những đứa trẻ sinh ra giàu có nhưng lớn lên trong môi trường nghèo khó.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì nghiên cứu trên đã mô tả một hiện tượng đang phổ biến tại nước Mỹ, nơi mà giá trị tài sản trung bình của những gia đình giàu có đã tăng gấp đôi trong vòng ba thập kỷ và giá trị tài sản của những gia đình có thu nhập thấp thì lại giảm đi trong cùng một giai đoạn. Thụy Điển, với chế độ lương hưu khá phóng khoáng và mức thuế cao, có thể không phải là một bản sao hoàn hảo của Hoa Kỳ nhưng đất nước này cũng đã đạt đến mốc gần như vậy. (Hơn nữa, khả năng dịch chuyển xã hội ở Thụy Điển cũng có thể chỉ thấp ngang bằng ở Mỹ.) Có vẻ như một đất nước Scandinavia với chế độ quân bình cũng có lúc phải gian lận trong trò xổ số cuộc đời.

(Theo NHD)