Sau 2 ngày kể từ khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TPHCM) đã thu nhận hơn 2.000 hồ sơ làm căn cước cho người già và trẻ nhỏ.
Ngay khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2024), rất nhiều người dân đã đến làm căn cước theo mẫu mới tại trụ sở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Ông Nguyễn Hùng Cường (59 tuổi) hào hứng đi làm căn cước mới.
"Tôi được cán bộ hướng dẫn vào làm thủ tục chụp ảnh, lăn tay, lấy mống mắt…, thấy quy trình thuận tiện và nhanh gọn" - ông Cường nói.
Để làm căn cước, người dân phải cung cấp đầy đủ dữ liệu thông tin cá nhân, vẫn lấy đủ 10 mẫu vân tay như trước. Cán bộ công an sẽ giúp người dân chụp ảnh chân dung.
Điểm mới của Luật Căn cước 2023 là người từ 14 tuổi trở lên khi làm căn cước sẽ bắt buộc phải thu thập dữ liệu thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
Quy trình này chỉ mất từ 3-5 giây: người dân mở to mắt và nhìn thẳng vào thiết bị quét mống mắt, dữ liệu sẽ được máy ghi lại trên hệ thống.
Đối với căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024, đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân không bị bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2 PC06 Công an TPHCM, cho biết đơn vị đã có sự chuẩn bị tốt nhất về trang thiết bị, tăng cường nhân sự để triển khai cấp căn cước cho đông đảo người dân.
"Riêng đối với sinh trắc học ADN và giọng nói, đây là những thông tin do công dân tự nguyện cung cấp để được thu nhận và tích hợp vào trong dữ liệu căn cước" - Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu lưu ý.
Luật Căn cước mới cũng mở rộng thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên. Trẻ từ 6-14 tuổi là trường hợp bắt buộc đến trực tiếp và có đại diện pháp luật hợp pháp khi làm thẻ.
Em Nguyễn Phương Anh (12 tuổi) được cán bộ lấy dấu vân tay sau khi thu nhận mống mắt. Chị Thanh Phương (mẹ của Phương Anh) cho biết, do số lượng người đến đây khá đông, hai mẹ con đã phải về rồi quay lại lần thứ hai.
"Sắp tới, gia đình đi du lịch Úc nên tôi tranh thủ dẫn con đến làm căn cước để thuận tiện hơn cho việc di chuyển" - chị Phương chia sẻ.
Anh Văn Chung Cang đưa con trai là bé Văn Chung Hiếu Trường (8 tuổi, ngụ tại quận 5) đến làm căn cước. Anh Cang cũng chia sẻ, nhờ đọc báo thấy có thông tin nên tranh thủ đang nghỉ hè cho con trai đi làm luôn.
"Cả quy trình đăng ký cấp căn cước chỉ tốn khoảng 10-15 phút thôi" - anh Cang vui vẻ nói.
Khi đến làm căn cước tại trụ sở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, người dân được hướng dẫn lấy số thứ tự và chờ đến lượt làm thủ tục.
Ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014, trong đó, chuyển từ cấp căn cước công dân sang thẻ căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7 gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0-6 tuổi và trên 6 tuổi, với một số khác biệt.
Cụ thể, mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; quốc tịch...
Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn...
Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.
Nếu công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân trước ngày 1/7 vẫn muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký.