|
Những sản phẩm dành cho người già sẽ là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ trong thời gian tới. |
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, thế giới có 523 triệu người già vào năm ngoái và dự tính con số này sẽ tăng lên 1,5 tỷ người vào năm 2050. Chỉ tính riêng ở Mỹ, 80 triệu người ở thế hệ "baby boomer" (những người sinh ra sau thế chiến thế giới lần 2 đến những năm 60 của thế kỷ trước) sẽ bước vào độ tuổi 60 và 70 trong vòng 20 năm tới. Với chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước phát triển khác, đây thực sự là bài toán tài chính đau đầu vì chi phí y tế và an sinh xã hội sẽ tăng. Nhưng với các công ty công nghệ, đó là một cơ hội lịch sử không thể xem thường để họ nhắm đến những khách hàng cao tuổi.
Người già thường tiêu xài thu thập của họ rộng rãi hơn; nói chung, nhiều người chi tiêu khoản tiền tiết kiệm cả đời của họ trong thời gian nghỉ hưu. Ví dụ, trong năm 2009, các hộ gia đình thuộc thế hệ “bayby boomer” ở Mỹ đã tiêu 2,9 nghìn tỷ USD, theo khảo sát chi tiêu của cơ quan quản lý lao động nước này. Điều đó khiến họ trở thành những khách hàng lý tưởng cho những sản phẩm có sự kết hợp tốt giữa các yếu tố tiện dụng, đơn giản và trực giác.
Đó là lý do tại sao nhiều công ty đa quốc gia như Intel đang theo đổi công nghệ “cải thiện sức khỏe” nhằm lôi kéo người có tuổi quan tâm đến sản phẩm và công nghệ của họ. Intel và General Electric gần đây đã lập liên doanh mới mang tên Intel-Gen Care Innovations để phát triển những công nghệ giúp người già có thể sống độc lập. Hai hãng này đang tiếp thị hệ thống giám sát Intel Health Guide giúp các bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe người bệnh từ xa.
Theo Eric Dishman, giám đốc lĩnh vực giải pháp y tế của Intel, không chỉ những điện thoại di động có bàn phím số to tướng mà những sản phẩm như hộp thuốc thông minh nhắc nhở người già uống vitamin hay những thiết bị di động giúp người cao tuổi chat hình dễ dàng với người thân ở bất kỳ đâu sẽ “cất cánh” trong thời gian tới.
Những người còn nghi ngờ về cuộc cách mạng công nghệ cho người già có thể nhìn tới nước Nhật, nơi dân số đang già nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vào năm 2015, khoảng 25% người dân Nhật sẽ ở tuổi trên 65. Hiện nay, Nhật đang là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thân thiện với người già. Vài năm gần đây, nước này đã chứng kiến sự bùng nổ game dành cho người già và những gia đình nghỉ hưu. Chính phủ Nhật đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất một loạt robot y tá vào năm 2014. Hãng điện tử Sony vừa ra mắt loại chíp định vị vệ tinh mới (GPS) dành cho người già có thể giúp các gia đình có thể theo dấu người thân của họ trong phạm vi vài cây số.
Đó mới chỉ là bề nổi. Các công ty Nhật còn đang phát triển vòi tắm giúp người tàn tật hoặc người già tắm rửa không cần người giúp việc; tay áo bơm hơi có gắn cảm biến giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp cho người mặc; bộ quần áo toàn thân có thể phát hiện khi nào cơ bắp của người mặc đang cố nâng vác vật nặng để hỗ trợ bằng các ống bơm hơi.
“Chúng tôi hy vọng rằng ngành công nghiệp robot của Nhật sẽ tiếp tục là ngành công nghiệp dẫn đầu bằng cách chuẩn bị những hướng dẫn cần thiết cho các robot dịch vụ”, ông Motoki Korenaga, quan chức của Bộ thương mại và công nghiệp của Nhật trả lời trên mạng tin tức AARP Global Network. “Khi mà dân số già là vấn đề phổ biến với các nước phát triển, Nhật muốn trở thành quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi với việc sử dụng công nghệ robot”.
Các thiết bị công nghệ thân thiện với người già có thể giúp những người cao tuổi sống tiện lợi và thoải mái hơn. Nhưng giống như bất kỳ công nghệ nào, nó có thể gây tác động tiêu cực với nền kinh tế. Đội ngũ người làm chăm sóc y tế và sức khỏe cho các hộ đình là một trong những việc làm tăng cao nhất ở Mỹ và nhiều nước phát triển. Điều gì sẽ xảy ra khi những người này bị thay thế bởi các robot tiên tiến và các tiến bộ y học, tương tự như robot đã thay thế con người ở các nhà máy?
Theo Alantic, Nytimes
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 26 ra ngày 1/3/2011.