Người dùng Việt thiệt hại 10.400 tỷ đồng vì virus máy tính trong năm 2016

Báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2016 và dự báo xu hướng năm 2017 vừa được Công ty Bkav công bố chiều nay, ngày 9/1/2017.

Theo Bkav, cùng với mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware, vấn nạn tin nhắn rác và nguy cơ từ các cuộc tấn công có chủ đích APT, virus lây qua USB cũng là một chủ điểm nóng nhất của năm 2016.

Đại diện Bkav cho biết, việc cắt bỏ tính năng Auto Run trong các hệ điều hành của Microsoft không làm cho virus USB trở nên hết thời. Theo chương trình đánh giá an ninh mạng 2016 của Bkav, tỷ lệ USB bị nhiễm virus trong năm 2016 vẫn ở mức rất cao 83%, không giảm so với 2015.

Lý giải điều này, các chuyên gia của Bkav phân tích, nỗ lực của Microsoft chỉ hạn chế được các dòng virus lây trực tiếp qua Auto Run như W32.AutoRunUSB. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của dòng W32.UsbFakeDrive, dòng virus không cần AutoRun vẫn có thể lây nhiễm chỉ với một cú “click” khiến cho USB tiếp tục là nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất.

Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho hay, có tới 16,7 triệu lượt máy tính được phát hiện là nhiễm virus lây qua USB trong năm 2016. Trong đó, chỉ 11% là đến từ dòng virus lây trực tiếp bằng Auto Run, còn tới 89% là dòng W32.UsbFakeDrive.

Trước đó, trong nhận định về tình hình an ninh mạng năm 2016 mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin  (Bộ TT&TT) đã cho biết, một vấn để nổi lên trong năm 2016 chính là tỷ lệ nhiễm phần mềm độc hại của Việt Nam tiếp tục ở mức cao: “Tỷ lệ lây nhiễm qua mạng và qua mạng xã hội cao hơn so với năm 2015, theo ước tính của chúng tôi thì tăng khoảng từ 4-5%”.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục An toàn thông tin, tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua USB, thẻ nhớ lại có chiều hướng giảm, qua đó phản ánh xu hướng hiện tại người dùng đang chia sẻ thông tin qua mạng, mạng xã hội nhiều hơn là chia sẻ thông tin qua các thiết bị lưu trữ truyền thống.

Chuyên gia Bkav nhấn mạnh, đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng USB để hạn chế sự lây lan của virus. “Người dùng cá nhân cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét USB trước khi sử dụng, hạn chế sử dụng USB trên các máy lạ. Với các cơ quan doanh nghiệp, cần trang bị giải pháp kiểm soát chính sách an ninh đồng bộ, trong đó có kiểm soát, phân quyền sử dụng USB theo nhu cầu và độ quan trọng của từng máy”, chuyên gia Bkav khuyến nghị.