Adjust, nền tảng phân tích tiếp thị di động toàn cầu, vừa phát hành báo cáo cho thấy đà tăng trưởng mạnh của ứng dụng di động trên toàn cầu trong năm 2021. Bất chấp một năm có nhiều quy định mới và chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch, biểu đồ lượt cài đặt (install) và phiên truy cập (session) của ứng dụng di động đều thể hiện xu hướng tăng.

Ba phân khúc ứng dụng nổi bật nhất trong năm qua là fintech, thương mại điện tử và game. Cả ba phân khúc trên đều có những tháng mà doanh thu trong ứng dụng (in-app) đạt mức kỷ lục.

Theo số liệu báo cáo, số lượt cài đặt và số phiên truy cập của ứng dụng fintech tăng 34% và 53%.

Trong đó, ứng dụng giao dịch chứng khoán và ứng dụng tiền điện tử chiếm 7% và 2% tổng số lượt cài đặt ứng dụng fintech, nhưng chiếm đến 17% và 6% tổng số phiên truy cập.

Đặc biệt, ứng dụng tiền điện tử có thời lượng phiên trung bình dài nhất – hơn 15 phút.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ đứng đầu về số lượt cài đặt trong năm 2021 (tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái), theo sau là khu vực Mỹ Latin (62%), châu Á - Thái Bình Dương (29%) và châu Âu, Trung Đông & châu Phi (16%).

Doanh thu in-app của ứng dụng fintech tăng đều từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021, trong đó tháng 3 năm 2021 ghi nhận doanh thu cao nhất.

{keywords}
Thời gian người dùng dành cho các ứng dụng tiền số lên đến 15 phút mỗi phiên.

Khi hệ điều hành iOS 14.5 và AppTrackingTransparency (ATT) framework được Apple tung ra vào tháng 4 năm 2021, cho phép người dùng tự quyết định có cho ứng dụng truy cập dữ liệu của họ hay không, dự đoán ban đầu của nhiều chuyên gia cho thấy tỷ lệ người dùng đồng ý (opt-in) của toàn ngành sẽ chỉ đạt khoảng 5%. Nhưng dữ liệu mới nhất của Adjust cho thấy, tỷ lệ thực tế cao khoảng 25% (hồi tháng 5 năm 2021 chỉ khoảng 16%), riêng game đạt tới 30%.

“Mặc dù năm qua xuất hiện nhiều thử thách, nhưng hệ sinh thái ứng dụng di động vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy đây là một lĩnh vực có khả năng thích ứng cao”, Simon “Bobby” Dussart - CEO của Adjust cho biết.

Báo cáo cho thấy thương mại điện tử bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, với số lượt cài đặt tăng 12% vào năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 11 là tháng có chỉ số tốt nhất – số lượt cài đặt cao hơn trung bình hàng năm đến 20%.

Hai thị trường thương mại điện tử có kết quả đáng chú ý nhất là châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) – cùng mức tăng 18%, và Mỹ Latin – 14%.

Doanh thu in-app của thương mại điện tử cao nhất vào tháng 5 năm 2021, tăng đến 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng game cũng nhận được sự quan tâm lớn của người dùng. Số lượt cài đặt của game hyper-casual (game tối giản trên di động) chiếm tỷ trọng cao nhất trong phân khúc game (27%). Còn về số phiên truy cập, tỷ trọng lớn nhất thuộc về game hành động (30%).

Số lượt cài đặt game trên toàn cầu tăng 32% trong năm 2021, cho thấy game vẫn tăng trưởng ổn định ngay cả khi đã qua đợt tăng bùng nổ dưới tác động của đại dịch. Số lượt cài đặt nửa cuối năm 2021 cao hơn nửa đầu năm 12%.

Lượng cài đặt tăng ổn định ở nhiều khu vực trong năm 2021. Mỹ Latinh và châu Âu, Trung Đông & châu Phi (EMEA) ghi nhận mức tăng mạnh nhất, sau đó là châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và Bắc Mỹ.

Các chỉ số khác như thời lượng phiên, số phiên truy cập trên mỗi người dùng mỗi ngày và thời gian sử dụng ứng dụng đều tăng trong năm 2021.

Tháng 1/2021 là tháng ghi nhận doanh thu in-app trong game cao nhất, xét theo quy mô toàn cầu và dựa theo dữ liệu của Adjust.

Dussart nhấn mạnh rằng, mặc dù có nhiều thách thức, năm 2022 vẫn là năm mang đến nhiều cơ hội, vì thực tế cho thấy, người dùng đang có nhu cầu cao về ứng dụng. Không chỉ cung cấp các hình thức giải trí, giải pháp quản lý công việc và tính năng phục vụ nhu cầu thường ngày, ứng dụng còn giúp người dùng giải quyết các vấn đề thực tế và đáp ứng được nhu cầu của mọi thị trường.

Hải Đăng

Thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á

Thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á

Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, dự đoán có thể cán mốc 39 tỷ USD vào 2025.