Một cuộc thử nghiệm của Facebook với các bình luận chứa từ "fake" (giả mạo) trên đầu bảng tin đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều người dùng.
Trong cuộc thử nghiệm của Facebook, bình luận có chứa từ "fake" (giả mạo) sẽ xuất hiện trên cùng phần bình luận phía dưới mẩu tin. Ảnh: BBC |
Theo Facebook, cuộc thử nghiệm nhằm ưu tiên "các bình luận thể hiện sự không tin tưởng". Điều đó đồng nghĩa, trên danh sách cập nhật tin từ các hãng thông tấn và cơ quan báo chí như BBC, Economist, New York Times hay Guardian đều bắt đầu bằng một bình luận đề cập đến từ "giả mạo".
Trong thử nghiệm, các bình luận xuất hiện trên nhiều mẩu tin khác nhau, từ những tin có thể là giả mạo cho tới các tin rõ ràng là chính thống. Các ý kiến vốn xuất hiện trên cùng phần bình luận đến từ nhiều người khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là chứa từ "giả mạo".
Chỉ có một số người dùng Facebook nhìn thấy thử nghiệm như trên. Hiện cuộc thử nghiệm đã kết thúc nhưng nhiều người tiếp cận nó tỏ ra phẫn nộ.
"Rõ ràng Facebook đang đối mặt vô số áp lực phải giải quyết vấn nạn tin giả mạo, nhưng nghi vấn tính chân thực của mọi mẩu tin đơn lẻ là lố bịch. Trái ngược hoàn toàn với việc chống lại những thông tin sai lạc trên mạng, công ty đang làm phức tạp thêm vấn đề bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa những gì có thật và những gì không thật. Bảng tin Facebook của tôi đã trở thành nơi diễn ra thử nghiệm ba phải kinh khủng kiểu Orwellian", Jen Roberts, một chuyên gia tư vấn PR tự do nhận xét.
Nhiều người dùng Facebook khác cũng chia sẻ sự không hài lòng trên Twitter.
Tuy nhiên, trong một thông cáo gửi báo chí, Facebook nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn phát triển các cách thức ngăn chặn sự phát tán tin tức sai sự thật trên nền tảng của mình và đôi khi triển khai các thử nghiệm nhằm tìm ra những cách thức mới để làm điều đó. Đây là một cuộc thử nghiệm nhỏ và đã kết thúc. Chúng tôi muốn xem liệu việc ưu tiên các bình luận bày tỏ sự không tin tưởng có hữu ích hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cách thức mới nhằm giúp cộng đồng có nhiều thông tin hơn để quyết định cái họ đọc và chia sẻ".
Facebook đang cố gắng giải quyết vấn nạn tin giả sau khi bị cáo buộc là một trong những nền tảng chính phát tán các thông tin sai sự thật hoặc bịa đặt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hồi tháng 8, mạng xã hội này đã cam kết tăng cường các nỗ lực chống tin giả bằng cách gửi nhiều bản tin bị nghi ngờ hơn cho các chuyên gia kiểm tra sự thật. Facebook gần đây cũng ra mắt một tính năng mới, đăng tải các đường link tin tức thay thế phía dưới các bản tin bị nghi ngờ.
Tuấn Anh (Theo BBC)
Facebook thêm chức năng loại bỏ tin tức giả mạo
Facebook vừa bổ sung thêm nút chức năng “i” dùng để kiểm tra tính xác thực của thông tin đăng trên mạng xã hội này.
Thủ đoạn bôi xấu cá nhân bằng quảng cáo Facebook
Kẻ xấu đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm nội dung quảng cáo của Facebook để biến thành công cụ phát tán những thông tin vu khống, bịa đặt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.
Facebook và iPhone thông đồng lấy trộm thông tin từ người dùng
Ít ai ngờ rằng, những quảng cáo vô tình trên Facebook là có chủ ý. Khi mà điện thoại đã lén nghe trộm cuộc nói chuyện của người dùng, sau đó bán thông tin lại cho Facebook để làm quảng cáo trên trang cá nhân của chính bạn.
Facebook bị nghi ngờ do thám người dùng qua microphone
Sự nghi ngờ này lớn tới mức đích thân phó chủ tịch Facebook, Rob Goldman, phải lên tiếng trấn an rằng mạng xã hội này không sử dụng thông tin cá nhân cho mục đích kinh doanh.