Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các mạng xã hội thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý về việc chặn, gỡ các tài khoản giả mạo, bài viết xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch, quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng.
Cụ thể, Facebook đã gỡ 286 tài khoản giả mạo, trong đó tài khoản giả mạo các vị Lãnh đạo Đảng nhà nước 50 tài khoản, còn lại tài khoản tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc kích động chống phá nhà nước, gỡ hơn 2786 bài viết phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các Lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tính đến đầu tháng 10/2020 Facebook đã gỡ gần 2036 bài viết, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn 95%).
Trong thời gian gian cao điểm chống dịch Covid-19, Facebook đã gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; 141 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và virus corona (thông tin sai về dịch Covid-19 gỡ 100%).
Từ tháng 7/2019 đến hết tháng 9/2020, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 24/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 24 kênh này chứa 11.212 video clip vi phạm). Ảnh minh họa. |
Trong khi đó với Google, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 90%. Từ năm 2017-tháng 9/2020, YouTube/Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 24.617 video vi phạm (riêng 9 tháng đầu năm 2020 gỡ 10.877 video). Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 7/2019 đến hết tháng 9/2020, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 24/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 24 kênh này chứa 11.212 video clip vi phạm).
Với AppStore, kho ứng dụng này cũng đã phối hợp để yêu cầu các nhà phát hành các ứng dụng trên AppStore phải xin phép theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. AppStore đã gỡ 28 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Có được kết quả trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, thanh toán, thuế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google,…) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, thông tin lừa đảo, đánh bạc, thông tin độc hại đối với trẻ em.
Ngoài ra xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo; nội dung thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật gây hoang mang trong xã hội…
Công cuộc xử lý, ngăn chặn thông tin giả, tin xấu độc, chống phá… dù đạt được kết quả tương đối như trên, như theo Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đầu tiên là giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước.
Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về một số vụ việc nhạy cảm, phức tạp của một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động, chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc đấu tranh bác bỏ các trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam do sự can thiệp, tạo áp lực của các tổ chức nước ngoài.
Hay như việc quảng cáo trên môi trường mạng, các quy định về việc quảng cáo trực tuyến, quảng cáo xuyên biên giới tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm các bên tham gia; các hành vi vi phạm và chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe và chưa thống nhất với Luật quản lý thuế năm 2019.
Nguyên nhân bởi việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, đồng bộ, hiệu quả chưa cao, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
Đồng thời tăng cường công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để từng người sử dụng trong nước có đủ "sức đề kháng" trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Thực hiện khẩn trương ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và đây được xem là "nhiệm vụ có tầm ảnh hưởng rộng, không chỉ trong các vấn đề xã hội, mà còn cả về chính trị, đối ngoại và kinh tế".
Việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo để phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới tại Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc ngăn chặn các thông tin, dịch vụ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cũng là một trong những giải pháp được đặt ra.
Thu Thủy