Tuần này, Tổng thống Trump nói không loại trừ khả năng áp đợt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến iPhone cũng như laptop của Apple. Động thái này nếu xảy ra sẽ làm tổn thương người dùng Mỹ và doanh nghiệp Mỹ vì thuế được tính vào hàng hóa khi nhập cảnh. Apple sẽ phải quyết định có tăng giá không để bù đắp.
Bryan Ma, nhà phân tích của hãng nghiên cứu IDC, nhận định Mỹ sẽ bị tác động trực tiếp. “25% của điện thoại 1.000 USD không phải chuyện đùa, bất kể Apple có gánh một phần hay chuyển phần lớn sang người dùng”. Tổng thống Trump nói mức thuế có thể là 10% hoặc 25%. Ông muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, song chuyển một chuỗi cung ứng toàn cầu, phức tạp từ châu Á về Mỹ là điều đặc biệt khó khăn và gần như không có khả năng.
Ngay cả khi được thực hiện, chi phí nhân công và cơ sở sản xuất sẽ khiến giá iPhone tăng mạnh, theo Tim Bajarin, Chủ tịch Creative Solutions. Ông cho rằng nếu sản xuất smartphone tại Mỹ, giá bán cuối cùng có thể tăng từ 20% đến 35%, đồng nghĩa, giá iPhone XS Max sẽ tăng thêm tối đa 350 USD. Như vậy, sản xuất iPhone tại Mỹ còn đắt hơn việc bị áp thuế mà Tổng thống Trump đang đe dọa.
Apple mua linh kiện từ các công ty khắp thế giới trước khi chuyển sang Trung Quốc, nơi hầu hết iPhone được lắp ráp bởi Foxconn (Đài Loan). Chip nhớ đến từ Toshiba (Nhật Bản), cảm biến đến từ Bosch (Đức) và mô-đun màn hình đến từ Samsung (Hàn Quốc). Một số linh kiện quan trọng cũng được nhập từ công ty Mỹ. Chẳng hạn, Corning cung cấp kính cho màn hình iPhone, nhà máy Texas của Finisar sản xuất máy quét laser dùng cho Face ID, Analog Devices làm chip cho màn hình cảm ứng.
Một đợt thuế mới không chỉ giáng vào Apple mà còn cả các hãng công nghệ Mỹ khác đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và các nhà sản xuất Trung Quốc, theo Hội đồng Công nghiệp CNTT, tổ chức đại diện cho hơn 60 doanh nghiệp công nghệ lớn, trong đó có Amazon và Facebook. Jose Castenada, người phát ngôn của tổ chức, cho hay thuế mới còn đe dọa chuỗi cung ứng nguồn toàn cầu, dẫn đến giá cao hơn đối với thiết bị điện tử mà mọi người đang sử dụng hàng ngày và thậm chí làm người Mỹ thất nghiệp.
Apple vẫn duy trì phần lớn việc nghiên cứu và phát triển iPhone cũng như thiết bị khác tại Mỹ. Tuy nhiên, theo CEO Tim Cook, Mỹ thiếu lao động có trình độ cần thiết để sản xuất các sản phẩm này. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune năm 2017, người đứng đầu Apple nói: “Sản phẩm chúng tôi làm ra yêu cầu công cụ thực sự hiện đại. Độ chính xác phải có trong công cụ và làm việc với các nguyên liệu đều ở mức độ cao nhất. Tại Mỹ, bạn có thể tổ chức cuộc họp gồm các kỹ sư công cụ và tôi không chắc có thể lấp đầy căn phòng hay không. Tại Trung Quốc, bạn có khả năng lấp đầy nhiều sân bóng”.
Bên cạnh đó, Apple không cần phải đưa iPhone về Mỹ sản xuất để "né" thuế của Tổng thống Trump. Một số đối thủ của “táo khuyết” đã thay đổi quá trình sản xuất, duy trì việc sản xuất cơ bản điện thoại, máy tính hay tivi tại Trung Quốc nhưng khâu lắp ráp hoàn thiện cuối cùng lại diễn ra ở các nước như Đài Loan, Việt Nam, Malaysia. Theo ông Bajarin, chiến lược này giúp họ tránh được thuế lên bất kỳ sản phẩm nào được xuất trực tiếp từ Trung Quốc. Ông cho rằng nỗ lực đưa những công việc như thế này của Tổng thống Trump về Mỹ là vô ích. “Mỹ đã đánh mất chỗ đứng trong sản xuất hàng thập kỷ trước, đặc biệt khi nói về những thứ như đồ điện tử và không thể nào quay trở lại như cũ”.