Theo CNN, ngày 13/5 Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết với số phiếu 5-4 khẳng định người dùng iPhone có thể kiện Apple vì công ty này độc quyền App Store, mảng kinh doanh cốt lõi của "Táo khuyết".
Thẩm phán Brett Kavanaugh tuyên bố: "Khi nhà bán lẻ thực hiện các hành vi độc quyền làm tổn hại người tiêu dùng, người mua sản phẩm của công ty đó có quyền kiện, buộc công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý". "Đó là lý do chúng ta có luật chống độc quyền", ông Kavanaugh nhấn mạnh.
Trên thực tế, Tòa án tối cao Mỹ không xác định Apple vi phạm luật chống độc quyền. Tòa chỉ cho rằng người tiêu dùng có quyền kiện Apple vì hành vi độc quyền, bởi họ mua ứng dụng trực tiếp từ Apple.
Apple bị cáo buộc độc quyền App Store khiến giá dịch vụ tăng cao. |
Phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ xuất phát từ vụ kiện của một nhóm người sử dụng iPhone hồi năm 2011. Họ lập luận rằng với việc ăn 30% doanh thu từ bán ứng dụng trên App Store, Apple đã khuyến khích các nhà phát triển ứng dụng tăng giá sản phẩm của họ.
Đơn kiện khẳng định lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm bởi Apple không cho phép họ tải ứng dụng từ bất kỳ nguồn nào ngoài iTunes App Store. Không giống Android, người sử dụng hệ điều hành iOS chỉ có thể mua ứng dụng từ nguồn chính thức đó.
Apple lập luận rằng người sử dụng iPhone không có quyền kiện bởi Apple chỉ là bên trung gian. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Mỹ xác định người dùng iPhone có mối quan hệ "mua bán trực tiếp" với Apple. Thẩm phán Kavanaugh mô tả lập luận của Apple là "vô lý".
CNN dẫn lời một số chuyên gia chống độc quyền cho biết họ ủng hộ phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ. Theo họ, không để cho người dùng iPhone có quyền kiện Apple sẽ tạo ra tiền lệ giúp các công ty khác xâm phạm luật chống độc quyền.
Theo CNBC, ngay sau khi Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết, giá cổ phiếu Apple sụt giảm 5,3%. Nếu người dùng iPhone thắng kiện Apple, công ty này có thể phải đối mặt với án phạt lên đến hàng trăm triệu USD. Kết quả đó cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty công nghệ khác như Facebook, Google, Amazon.