Cáp quang biển gặp sự cố, khách hàng bị thiệt đơn thiệt kép
Theo thống kê sơ bộ, chưa đầy 3 năm đã có tới gần 10 lần tuyến cáp quang biển AAG bị đứt, phải tạm dừng để bảo dưỡng, gây ảnh hưởng đến chất lượng Internet của Việt Nam đi quốc tế. Mỗi lần tuyến cáp quang biển này bị đứt thì việc hàn nối sẽ kéo dài trong khoảng 2 tuần. Trong thời gian đó, khách hàng phải chịu đựng cảnh Internet kết nối tới các trang web ở nước ngoài, Facebook, Yahoo Mail, Gmail… bị chậm.
VNPT cho rằng, việc đứt cáp AAG là chuyện không hiếm gặp. Về cơ bản, cáp ngầm biển thường chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần ngay trên nền cát dưới biển. Với chiều dài tới hàng chục ngàn km, để tiết kiệm chi phí, các tuyến cáp quang biển đều có chung một nguyên tắc thiết kế: được gia cường ở gần bờ và rất mỏng manh ở ngoài khơi xa. Khi vào gần bờ các tuyến cáp quang ngầm phải được gia cường bởi thép bện và các lớp tăng cường khác là do càng gần bờ, mực nước càng nông và những hoạt động hàng hải càng dày đặc. Mặc dù dày đặc thép gia cường nhưng nếu bị mỏ neo của một con tàu chở hàng cỡ vài chục nghìn tấn móc phải và rê đi thì sợi cáp đó cũng không khác sợi chỉ là bao. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tới 70% các vụ đứt cáp quang trên biển.
Trước tình huống đó, VNPT, Viettel, FPT… cũng đã phải tính toán đến các tuyến cáp quang khác để kết nối đi quốc tế, tránh việc bị ảnh hưởng do các sự cố của tuyến cáp quang biển AAG gây nên. Cho dù nhà mạng có nỗ lực tìm phương án khắc phục hậu quả khi tuyến cáp quang biển AAG bị sự cố, nhưng khách hàng vẫn là người chịu thiệt nhất. Nhiều khách hàng phản ánh rằng họ phải chịu cảnh Internet chập chờn, nhưng vẫn phải đóng tiền cước bình thường.
Người dùng Internet VN sẽ được sử dụng cáp biển nhanh nhất thế giới
Tuyến cáp quang biển FASTER vừa được công bố chính thức đi vào hoạt động với tốc độ truyền tải dữ liệu từ 60TB/giây. Hệ thống cáp ngầm dài 9.000 km nối giữa Nhật Bản với bờ biển Tây Mỹ này trở thành đường cáp xuyên Thái Bình Dương đầu tiên được xây dựng hoàn toàn bởi các nhà cung cấp, đó là Google và 5 hãng viễn thông châu Á: Global Transit (Malaysia), China Mobile International, China Telecom Global (Trung Quốc), KDDI (Nhật Bản) và SingTel (Singapore).
Theo nhận định của các chuyên gia thì đây là cáp biển có năng lực cao nhất từng được xây dựng - nhanh hơn 10 triệu lần so với tốc độ truyền tải của mạng cáp thông thường, thiết kế trên công nghệ truyền dẫn cáp quang 100Gbps mới nhất. Tuyến cáp quang này sẽ đáp ứng gấp 4 lần nhu cầu băng thông giữa châu Á và Bắc Mỹ và đáp ứng nhu cầu trả đổi dữ liệu ngày càng nhiều của người dùng Internet giữa 2 bờ Thái Bình Dương.
Ông Urs Holzle, Phó chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng của Google khẳng định, hệ thống cáp FASTER có hai trạm hạ cánh tại Nhật Bản, ở quận Chiba và Mie giúp cung cấp dễ dàng truy cập đến các thành phố lớn của Nhật Bản đồng thời cũng kết nối nhiều hệ thống cáp lân cận để mở rộng khả năng kết nối đến các địa điểm khác của Châu Á, hứa hẹn cải thiện tốc độ Internet trên lục địa đông dân nhất thế giới này. “FASTER sẽ giúp cho tốc độ Internet trở nên nhanh hơn, tốt hơn và ổn định hơn cho người dùng của chúng tôi tại châu Á.
Ước tính hiện có khoảng 200 hệ thống cáp quang ngầm dưới đáy biển trên khắp thế giới, giúp truyền tải 95% lương lượng Internet trên toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam có 5 hướng kết nối quốc tế chính (IA, AAG, APG, SMW3 và AAE1), trong đó khoảng 30-40% lưu lượng Internet quốc tế của ta qua tuyến cáp AAG, tuyến kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Nhưng kể từ khi chính thức hoạt động từ năm 2009, AAG lại thường xuyên bắt gặp các sự cố và phải liên tục dừng hoạt động để bảo trì.
Với FASTER “gã khổng lồ tìm kiếm” đã có thể tự tin phục vụ tốt hơn người dùng của mình tại khu vực châu Á - thị trường đang có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới và kết nối dễ dàng hơn giữa các trung tâm dữ liệu của Google đặt tại Mỹ và Á châu. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ tuyến cáp quang này.
Global Transit, một công ty thành viên của TIME dotCom (tập đoàn viễn thông đứng thứ 2 Malaysia) là một trong 5 đối tác viễn thông châu Á cùng tham gia xây dựng tuyến cáp FASTER trị giá 300 triệu USD này.
Cách đây 1 năm, tháng 5/2015, TIME dotcom đã đầu tư 12 triệu USD vào CMC Telecom, công ty Viễn thông thuộc Top 4 trên thị trường Việt Nam, biến CMC Telecom trở thành công ty hạ tầng viễn thông Việt đầu tiên có cổ đông chiến lược quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Time dotCom đã sở hữu hơn 45% cổ phần của CMC Telecom.
Trong 5 năm qua, TIME dotCom đã đầu tư trên 200 triệu đô la Mỹ cho hạ tầng cáp quang biển kết nối chiều quốc tế và là một thành viên quan trọng đóng góp đầu tư vào tuyến cáp FASTER. Trao đổi về việc CMC Telecom có thể tận dụng hạ tầng cáp quang biển mà TIME dotCom đã đầu tư, ông Đặng Tùng Sơn, Phó tổng giám đốc CMC Telecom chia sẻ: “CMC Telecom đang cùng làm việc với Global Transit để sớm điều hướng băng thông quốc tế của CMC Telecom qua FASTER. CMC Telecom sẽ kết nối với FASTER qua tuyến cáp quang APG. Dự kiến cuối năm nay, người dùng Internet Việt Nam, khách hàng của CMC Telecom sẽ được sử dụng FASTER ”.