Nối dài hành trình “gieo xanh”
Cuối năm 2021, Grab ra mắt tính năng “Đóng góp trung hòa carbon” nhằm tạo điều kiện cho người dùng Grab quan tâm đến môi trường có thể đóng góp bù đắp phần phát thải carbon từ các chuyến xe và đơn hàng.
Theo đó, khi lựa chọn tính năng này trên ứng dụng Grab, người dùng sẽ đóng góp 2.000 đồng mỗi chuyến xe GrabCar hoặc 1.000 đồng cho mỗi chuyến xe GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart. Toàn bộ khoản đóng góp từ người dùng sau đó được Grab chuyển đến các dự án giảm phát thải carbon, bao gồm bảo tồn rừng nguyên sinh tại các khu vực rừng suy thoái ở Đông Nam Á, trồng rừng để cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương và giữ đất chống xói mòn.
Cùng với thời điểm ra mắt tính năng, Grab công bố hợp tác cùng Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Quỹ Sống) và Sở Nông nghiệp và & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Hợp tác cho phép Grab trở thành một phần của chương trình “Trồng rừng giữ nước” do hai tổ chức này triển khai từ năm 2020. Ngoài tham gia vào các dự án quy mô khu vực, Grab đã chuyển khoản đóng góp trung hòa carbon từ người dùng vào chương trình “Trồng rừng giữ nước”, giúp tạo thêm mảng xanh cho Ninh Thuận.
Tính đến nay, khoảng 20.000 cây xanh đã được được trồng từ khoản đóng góp của người dùng Grab, giúp bao phủ một phần diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Với nỗ lực “thêm xanh” cho Ninh Thuận, tháng 10 vừa qua Grab đã tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận và Quỹ Sống. Theo đó, sẽ có thêm 171.010 cây xanh được trồng và 150.000 bom hạt giống được gieo xuống khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam và rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang. Thông qua tính năng “Đóng góp trung hoà carbon” trên ứng dụng Grab, người dùng Grab có thể tiếp tục chung tay góp phần giải quyết thách thức môi trường mà Ninh Thuận đang đối mặt trong nhiều năm qua.
Giải pháp bền vững cho dải đất “thừa nắng, khát nước”
Vốn được biết đến là vùng khô hạn nhất cả nước, Ninh Thuận quanh năm đối mặt với tình trạng “thừa nắng, khát nước”. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên trong những năm gần đây tại dải đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ này ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Lượng nước tại nhiều hồ chứa ghi nhận tình trạng suy giảm, dẫn tới thiếu nước sản xuất nghiêm trọng vào một số thời điểm trong năm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cát bay, cát nhảy tạo thành các đồi cát di động chuyển dịch từ biển đi vào đất liền lấp mất ruộng đồng, làng mạc diễn ra tại nhiều địa bàn trong tỉnh, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân nơi đây. Các chuyên gia nhận định rằng, trồng rừng là ưu tiên hàng đầu để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận.
Dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, Ninh Thuận lại sử hữu Vườn quốc gia Núi Chúa - Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Với tổng diện tích hơn 106.646ha, khu vực này là đại diện tiêu biểu cho hệ sinh thái bán khô hạn và ẩm, bao gồm sáu kiểu rừng đa dạng cùng hàng loạt loài động vật quý hiếm. Chính quyền Ninh Thuận luôn tăng cường công tác quản lý và phát triển Vườn quốc gia Núi Chúa theo hướng bảo tồn bền vững các giá trị đa dạng sinh học. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu đạt độ che phủ khoảng 49% vào năm 2055, tức là có thêm 158 nghìn ha diện tích có rừng.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Grab, Sở Nông nghiệp và & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận và Quỹ Sống, ngoài trồng rừng, các bên còn đồng thời triển khai thêm các hoạt động tập huấn, hỗ trợ cho người dân địa phương trong công tác bảo tồn rừng.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận đánh giá: “Sự chung tay của Grab trong việc tài trợ và đồng hành cùng địa phương đã giúp tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và mang lại những giá trị bền vững cho người dân Ninh Thuận”.
Lệ Thanh