Từ thuở hồng hoang, con người mới chỉ biết đến một thế giới duy nhất: đó là thế giới thực ta đang biết. Nhưng từ khi trí tưởng tượng của khoa học bay xa, chúng ta đã mường tượng ra một thế giới ảo dựng bằng máy tính, nơi từng cá nhân sẽ sở hữu một bản thể - một avatar và dùng nó trong mọi hoạt động ảo. Bạn sẽ làm việc trong đó, mua sắm trong đó, tham gia các hoạt động trong thế giới ảo và thực hiện tương tác giữa người và người không khác gì thế giới thực.
Rất có thể bạn đã nếm thử cảm giác “sống trong thế giới ảo”. Trò chơi điện tử, những hệ thống thực tế ảo (virtual reality - VR), những buổi hòa nhạc ảo có thể khiến bạn đắm mình vào một thế giới khác xa thực tại quanh ta. Thế nhưng theo lời khẳng định của những cá nhân nhìn xa trông rộng, thế giới ảo này - hay dạo gần đây được nhắc tới với cái tên “metaverse - siêu vũ trụ” - sẽ vượt xa những kỳ vọng ta đang có.
Metaverse có thể trở thành một bản sao phức tạp của thế giới ba chiều mà nhân loại đang nhận thức được, đồng thời cho bạn tương tác với nó theo những cách không tồn tại trong thế giới thực.
Metaverse sẽ dồi dào hoạt động cho người dùng lựa chọn, những tương tác giữa người với metaverse, giữa người và người trong metaverse sẽ phong phú vô cùng. Theo lời những người đang đặt nền móng cho công nghệ mới, bạn có thể làm gần như mọi thứ.
“Metaverse sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn nhất của nền tảng máy tính từ trước tới nay - lớn hơn sự kiện di động, lớn hơn cả cách mạng sản sinh ra web”, Marc Whitten, phó chủ tịch cấp cao và quản lý kiến tạo tại công ty Unity Software khẳng định.
Nếu bạn chưa tường, thì Unity là một công cụ sáng tạo và dịch vụ số cho phép người dùng tự tạo nội dung cho metaverse. Danh sách những tập đoàn đã đang phát triển phần cứng và phần mềm cho metaverse, hay cao cấp hơn là sở hữu những thế giới ảo của riêng mình trong vũ trụ ảo metaverse, gồm có NVIDIA, Roblox, Epic Games, Microsoft và Facebook.
Người dùng có thể sử dụng máy tính hoặc smartphone để bước những bước đầu tiên vào vũ trụ metaverse. Tuy vậy, các chuyên gia công nghệ nhận định những thiết bị kính đặc biệt - tương tự những bộ kính VR cồng kềnh ngày nay - sẽ đem đến khả năng đắm mình vào thế giới ảo sâu chưa từng có. Chúng ta sẽ chứng kiến những thiết bị cảm biến haptic cho phép người dùng cảm nhận vật thể ảo, rồi những máy chạy có thể giả lập một mặt đất đang chuyển động dưới chân người sử dụng metaverse.
Nhưng để vụ nổ Big Bang xuất hiện mà hình thành vũ trụ metaverse, chúng ta cần nâng cấp cơ sở hạ tầng của công nghệ hiện tại, đồng nghĩa với việc sức mạnh tính toán của máy tính và sức xử lý đồ họa phải cao hơn nữa. Đồng thời metaverse cần một khuôn mẫu chung cho người dùng toàn cầu, cho phép giao tiếp không gián đoạn giữa những người dùng thuộc những vùng metaverse khác nhau.
Khái niệm “vũ trụ” cũng KHÔNG thể đi kèm với “phức tạp”, bước tiến hóa của một mạng internet vốn dễ sử dụng không thể đại trà nếu như nhiêu khê hơn hệ thống tiền nhiệm. Nó cần một công cụ lập trình đủ đơn giản cung cấp khả năng sáng tạo thế giới ảo, nội dung ảo cho bất cứ ai. Metaverse không thể dành riêng cho những lập trình viên có kinh nghiệm.
Những lo lắng xoay quanh vấn đề an ninh và bảo mật cũng phải được cân nhắc. Hơn nữa, những kiến trúc sư của thế giới ảo cũng đứng trước nguy cơ thay đổi nhận thức: họ có thể quá đắm đuối thế giới tạo ra bởi 0 và 1, mà quên đi thực tại cũng như những nhu cầu cơ bản nhất của con người.
“Có khả năng người ta thích [metaverse] hơn cuộc sống truyền thống”, cô Rachel Kowert nói. Nhà tâm lý học nghiên cứu sức khỏe tinh thần của game thủ đưa nhận định về metaverse, đồng thời cảnh báo những ảnh hưởng tiềm tàng của metaverse tới trẻ nhỏ. Những sinh linh chưa đủ tuổi trưởng thành “học cách ứng xử và tương tác với thế giới qua những bậc tiền bối và những giao tiếp xã hội”, cô khẳng định đó là “thành tố tối quan trọng về cách chúng ta học làm người”, một thứ có lẽ sẽ không tồn tại trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như metaverse.
Nhưng dù xấu hay tốt, hay là tổ hợp của cả hai như chính cuộc đời màu xám, thì vũ trụ ảo metaverse cũng đang từng bước lan tới mọi ngóc ngách cuộc sống.
Những chuyên gia từ các công ty công nghệ, những tập đoàn đang kiến tạo metaverse khẳng định thế giới ảo khổng lồ sẽ chứa đầy những vật thể trong thế giới thực; chúng sẽ tồn tại dưới dạng mô hình 3D được render như thật, và sẽ tồn tại ở 3 trạng thái quá khứ, hiện tại và tương lai. Metaverse có thể hỗ trợ số người dùng thời gian thực khổng lồ mà không có độ trễ - cảm giác “lag” vốn vẫn làm người sử dụng internet bực mình.
Như giám đốc NVIDIA Richard Kerris lấy ví dụ, nhiều nhóm học sinh tới từ đa quốc gia có thể tham gia vào một chuyến dã ngoại tại thành Rome cổ đại. Anh Kerris mạnh dạn nhận định như vậy bởi NVIDIA là một trong những kiến trúc sư đang nỗ lực xây dựng metaverse. Nhóm các chuyên gia đang chung tay phát triển một dự án cơ sở hạ tầng metaverse có tên Omniverse, cho phép các nhà phát triển khắp thế giới cộng tác và tạo ra một phần mềm phát triển nội dung cho metaverse.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng giao tiếp người với người trong metaverse sẽ thông qua những bản thể ảo, những “avatar” tự chọn. Với những tiến bộ trong đồ họa, những bản thể này sẽ có vẻ ngoài chân thực hơn nhiều so với những hình ảnh “kỹ xảo máy tính” ta vẫn thấy trong nhiều những bộ phim bom tấn, như Avatar hay Ready Player One. Thậm chí, những avatar ảo còn có thể làm điều không tưởng: một vẻ ngoài chân thực kết hợp với một trí tuệ nhân tạo sẽ khiến những người đã khuất một lần nữa tồn tại trong một vũ trụ mới. Những người thân đã qua đời, những vĩ nhân chỉ sống trong tâm trí con người sẽ một lần nữa hiện diện.
“Trải nghiệm với các avatar sẽ chân thực tới mức bạn không thể phân biệt giữa cuộc họp thực tế và buổi gặp mặt ảo”, Daren Tssui, giám đốc của Together Labs và là người điều hành các dự án phát triển công nghệ tương tác xã hội, nhận định. “Và trải nghiệm ảo sẽ tích cực hơn nhiều”.
Tuy nhiên, các bản thể avatar không phải công cụ duy nhất đại diện cho cá nhân người dùng. Các chuyên gia công nghệ nói người dùng có thể trực tiếp xem video thuộc về thế giới thực, ví dụ như những sự kiện thể thao lớn hay những buổi hòa nhạc tại sân khấu vật lý. Nhưng thay vì phải ngồi khán đài xa vời vợi, người dùng có thể theo dõi sự kiện bằng bất cứ góc nhìn nào. Chỉ với một vài thao tác tay, người dùng có thể lập tức tra cứu thông tin về vận động viên, về người nghệ sĩ đang trình diễn kỹ năng.
Những người sáng tạo nội dung có thể hòa trộn sản phẩm ảo với video thực tế, cho người dùng tương tác với vật phẩm ảo; metaverse sẽ cung cấp một giỏ cà chua và trứng thối ảo, đồng thời hiển thị đội tuyển bạn không chút cảm tình. Hành động “phá hoại” của hooligan ảo hoàn toàn không ảnh hưởng tới tiến độ trận đấu cũng như tới vận động viên thực tế.
Theo lời John Egan, giám đốc công ty dự đoán hoạt động thị trường L’Atelier BNP Paribas, hoạt động giao thương hoàn toàn có thể diễn ra trong siêu vũ trụ metaverse. Ông dự đoán người dùng metaverse sẽ bán thú ảo, với độ đa dạng từ chó, mèo cho tới rồng, phượng. Cũng theo ông nhận định, các lập trình viên có thể ban cho những con thú ảo những tính cách riêng, rồi yêu cầu người “nuôi” phải tương tác với chúng không khác gì những sinh vật có thật.
Những dịch vụ ảo khác có thể bao gồm lễ cưới hay những buổi tiệc tùng, đây đó sẽ là những sạp hàng cung cấp những dịch vụ, những quầy bán vé tham dự, những hòm tiền mừng dưới ứng dụng những dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Nhiều khả năng những đồng tiền số sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của thế giới ảo. Và cũng như cách một đồng tiền ảo được xác định bằng những đặc tính riêng (như với công nghệ chuỗi blockchain), một con thú ảo cũng sẽ sở hữu “chuỗi ADN ảo” của riêng mình, chỉ những người chủ của nó mới nắm được chuỗi ADN ảo này.
Từ một chuỗi ký tự như thế, ta sẽ chứng kiến việc phối giống các con thú ảo với nhau, sản sinh ra những đặc tính riêng biệt của con thú. Không khác gì thế giới Pokémon, thế giới metaverse sẽ đầy rẫy những con thú ảo có giá trị thật, sở hữu những kỹ năng độc đáo. Những giải thi đấu thú ảo có thể diễn ra, và rồi những màn đánh cược cũng đồng thời xuất hiện. Nền kinh tế của metaverse sẽ là một phiên bản khác của nền kinh tế ta đang tham gia.
Những doanh nghiệp thực tế có thể tham gia vào metaverse thông qua những phiên bản ảo của chính họ. Người dùng metaverse có thể trực tiếp tới xưởng, tới shop, thử một phiên bản ảo của món hàng mình đang muốn mua. Một người có chiều cao thiếu khiêm tốn, vốn khó khăn trong việc tìm quần áo, có thể thử đồ ngay trong thế giới ảo trước khi quyết định bỏ tiền mua món đồ trong thế giới thật.
Tương tự, những nhân viên bất động sản có thể sử dụng metaverse để đưa khách hàng tiềm năng tới một căn nhà 3D có tỷ lệ 1:1 so với sản phẩm thực tế. Khách hàng có thể đi xem nhà mới mà không cần phải rời khỏi căn nhà cũ. Theo lời ông Kerris tới từ NVIDIA, khách hàng còn có thể sử dụng bản thể 3D của đồ đạc trong nhà cũ và chuyển tới phiên bản ảo của ngôi nhà mới, thử sắp xếp đồ đạc trước khi đưa ra quyết định lớn.
“Mọi công ty nằm trong danh sách Fortune 1000 sẽ đều có cho mình chiến lược kinh doanh với metaverse”, phó chủ tịch Whitten của Uniti Software cho hay.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, môi trường 3D của metaverse sẽ cho phép người dùng phối hợp với nhau theo những cách chưa từng có, vốn bất khả thi với công nghệ hiện đại. Ví dụ, các kiến trúc sư có thể khảo sát công trình dù đang ở bất cứ đâu, đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho đội công nhân xây dựng đang trực tiếp có mặt tại công trường.
“Metaverse cung cấp một cú nhảy vọt lượng tử trong mảng làm việc từ xa”, phó chủ tịch Whitten khẳng định. “Bạn có thể thiết kế và chế tạo nhanh hơn, an toàn hơn với chi phí rẻ hơn ngày nay”.
(Theo Pháp luật & Bạn đọc, Wall Street Journal)
Dân mạng ‘hồ hởi’ đoán tên mới của Facebook
Thông tin Facebook sắp ‘thay tên đổi họ’ khiến cộng đồng mạng sôi sục và bắt tay vào suy đoán danh tính mới của mạng xã hội này.