Nhiều buổi sáng, anh Nguyễn Văn Huynh (quận 12) bắt đầu ngày mới với những tin nhắn… “Vợ ơi! Tối anh về muộn, chiều tối lên Làng Nguộn tưới giúp anh khu Chằm Mọn, Đồng Diệc, Cửa Cầu, Bòi Bà Do và Đồng Gạo. Nhớ cho mấy đứa ra Bảng Đền ngắm hoa, nhớ cắt trái bí trước cửa Ao Ông Bòi không bị già đó”. Đọc qua, cứ tưởng hai vợ chồng đang dùng “mật mã” để trò chuyện nhưng thực tế, nội dung anh Huynh muốn nói là nhắc nhở vợ chăm nom… vườn rau và hoa trên sân thượng.
Khu "vườn treo” của anh Huynh và chị Gấm có diện tích lên đến 300 mét vuông và được chia thành nhiều khu vực. Mỗi nơi anh lại đặt tên bằng những địa danh có thực của một cánh đồng quê ở miền Bắc - nơi đầy ắp ký ức tuổi thơ của hai vợ chồng. |
Chuyện người dân sinh sống tại TPHCM biến sân thượng, ban công làm thành những mảnh vườn trồng rau, cây cối… không mới mẻ. Tuy nhiên, một sân vườn rộng tọa lạc tại quận 12 này lại được gắn cả bảng tên làng, tên xóm với những cánh đồng đặc trưng Bắc bộ thì quả là lạ. |
Anh Huynh kể, vợ chồng anh đi học và làm việc ở châu Âu về Việt Nam định cư từ đầu những năm 90, thay vì về quê anh chị chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp với nghề kinh doanh xây dựng, bất động sản và dịch vụ ăn uống. Vợ chồng anh có bốn cháu, bản thân sinh ra ở vùng quê, lớn lên học tập, làm việc thì phải rời xa gốc gác, nay định cư cũng xa cả ngàn cây số nên muốn gợi nhớ niềm thương cũ, anh quyết định trưng dụng không gian sân thượng để trồng rau. |
Vì có diện tích rộng rãi nên anh quyết định làm bảng phân khu vực và đặt tên các địa phương gắn với tuổi thơ của mình như: Xóm Ngoài, Đồng Diệc, Xóm Cát, Máng Bẩy, Xóm Chùa, Ao Ươm, Đìa Dái… |
“Nghe đặt tên thì có vẻ lạ lẫm nhưng cũng chỉ để thỏa nỗi nhớ quê hương và… tiện chăm sóc. Dù vậy với tôi, mục tiêu lớn hơn cả là muốn có một môi trường để giáo dục các con của mình lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần lao động, sáng tạo của cha ông… cho dù sau này các cháu có là ai, sống ở đâu thì cũng hãy luôn nhớ và tự hào”, anh Huynh chia sẻ. |
Theo anh Huynh, tầng thượng được anh chia thành 3 khu, trong đó, diện tích khoảng 40 mét vuông là khu ăn uống, bếp, bàn ghế; công trình phụ trợ khoảng 60 mét vuông; khu trồng hoa tiểu cảnh khoảng 100 mét vuông, còn lại toàn bộ là trồng rau, củ, quả phục vụ sinh hoạt cho gia đình hàng ngày. |
“Toàn bộ thiết kế, ý tưởng đều do tôi tự suy nghĩ với mục tiêu phù hợp với không gian gia đình. Phương châm thiết kế cũng rất đơn giản: chỉ cần hiệu quả, hợp lý và dễ sử dụng. Quan trọng là không tốn kém thời gian vì chăm sóc vườn là trách nhiệm của chồng, vợ chỉ cần quét dọn và trồng cây giống…”, anh Huynh cho biết. |
Có tâm hồn hướng về thiên nhiên, tuy nhiên anh Huynh cũng từng trồng cây thất bại do gặp trở ngại về thời tiết. |
Sau thời gian đầu tư học qua mạng, thực nghiệm, anh Huynh đã "lên tay" và có thể trồng được các loại rau, củ, quả như: cải, mồng tơi, bí, bầu, cả bưởi, táo, hồng xiêm, giềng, gừng, sả, nha đam… Thậm chí, thú vui điền viên của gia đình cũng tập trung hết tại… ao sen rộng 20 mét vuông. Mỗi tháng, anh thu hoạch được gần cả ký hạt sen tươi ngon, hoa thì quanh năm khoe sắc. Anh Huynh còn hài hước kể rằng gia đình rất ít khi tốn tiền hoa vì “cứ lên sân thượng ngắt vài bình, loại nào cũng có. Không có thì… trồng”. |
Nhìn vào khu vườn “trên mây” của anh Huynh, cứ nghĩ rằng chi phí là một con số khổng lồ nhưng trái lại, ngoài chi phí 50 triệu đồng để làm bồn, đổ đất, trồng rau, hoa... việc lắp bảng tên chỉ mất 720.000 đồng. |
Anh Huynh cũng chia sẻ, gần đây có khá nhiều người ngỏ ý muốn tham quan khu vườn nhưng anh buộc phải từ chối vì phòng ngừa dịch COVID-19. Tuy nhiên, anh rất cảm kích, hứng thú chia sẻ mô hình của mình mỗi khi có người hỏi đến. |
“Là dân kinh doanh nên rất áp lực, có khu vườn cung cấp rau sạch cho gia đình và mỗi lần "được" làm nông dân chăm sóc vườn trên sân thượng là tôi vui lắm. Đặc biệt là có chỗ cho các cháu tập lao động, biết yêu cây cỏ, thiên nhiên. Mỗi lần nhìn thấy vợ con vui đùa bên vườn lộng gió đầy hoa trái tôi thực sự rất hạnh phúc”, anh Huynh tâm sự. |
(Theo Báo Phụ nữ)