Số người di cư tràn tới Hungary từ biên giới Serbia lên tới mức kỷ lục, trong bối cảnh Đông Âu đang căng thẳng nghĩ cách giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hơn 4.000 người đã vượt qua biên giới Serbia sang Hungary, ngay khi các nhà chức trách Hungary hoàn tất việc chuẩn bị đóng cửa biên giới.

{keywords}
Hàng nghìn người di cưtiếp tục vượt biên từ Serbia sang Hungary. (Ảnh: Reuters)

Châu Âu hiện đang đối mặt với dòng người di cư khổng lồ, chủ yếu là những người chạy trốn chiến tranh và tình trạng nghèo đói ở Syria.

Hungary vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức nước này giải quyết trình trạng người di cư vượt biên. Thủ tướng Hungaria Viktor Orban tuyên bố sẽ đóng cửa các đường biên giới và bắt giữ bất kể người nào nhập cư trái phép.

Nước này cũng sắp xây xong rào biên giới cao 4m ngăn với Serbia. Hơn 4.000 binh sĩ Hungary đã được điều động tới giúp cảnh sát thực thi lệnh cấm mà ông Orban tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9.

Hôm 11/9 đã xuất hiện hình ảnh người di cư được ném cho các túi thực phẩm tại trại tị nạn Roske của Hungary giữa lúc có chỉ trích rằng họ bị đối xử như con vật.

Ngày 12/9, khoảng 4.000 người di cư đi bộ vào Hungary đã được hướng dẫn tới một cánh đồng có hàng chục lều rộng, trong đó có nhiều lều của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra vào 15/9, khi lệnh cấm dân nhập cư có hiệu lực.

Hungary, cùng với Hy Lạp và Italy, trở thành tuyến đầu của cuộc khủng hoảng người di cư mà châu Âu đang đối mặt.

Nhiều người vượt từ Hy Lạp vào Macedonia trước khi qua Serbia để đến biên giới Hungary. Hầu hết muốn tới Tây Âu nhưng trước khi đặt chân được đến đất nước mong đợi, theo các nhà chức trách Hungary, họ cần phải được đưa tới các trại để đăng ký.

Ở Đức, nước nhiều người di cư muốn tới, các nhà chức trách thông báo 9.000 người đã tới Munich ngày 12/9. Nền kinh tế số 1 châu Âu dự kiến sẽ đón tổng cộng 40.000 người cuối tuần này.

Thủ tướng Angela Merkel bênh vực quyết định tiếp nhận lượng lớn người nhập cư, nói bà "tin điều này là đúng".

Khủng hoảng di cư phơi bày nhiều chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu. Ủy ban châu Âu đã thông báo các định mức ràng buộc mà mỗi thành viên trong khối này phải thực hiện để chia sẻ 120.000 người xin tị nạn mới.

Tuy nhiên, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia phản đối việc bị ép phải tiếp nhận những người mới đến.

Thanh Hảo