Trường nghèo, thầy cô và học trò đều nghèo khó nên mọi việc chỉ tập trung cho dạy và học. Hội khóa hay hội lớp, chúng tôi có thể lo liệu được, còn hội trường lại là việc vượt quá tầm với, cho dù rất nhiều người mong muốn có dịp để về lại mái trường xưa giờ không biết ai nhớ ai quên?
Nơi tôi theo học phổ thông cấp III (nay là THPT) bình thường như nhiều mái trường tranh tre nứa lá một thời. Trường tôi không thuộc diện trường chuyên, lớp chọn cũng không ai đoạt giải thi nào từ cấp huyện trở lên; thi đại học lớp 50 chỉ đậu 4, năm sau thêm 3, còn lại là lao ngay ra mặt trận biên giới Tây Nam hay vào Nam bổ túc thêm để đi dạy học…
Vậy mà suốt gần 40 năm kể từ ngày rời mái trường ấy, mỗi dịp 20.11, chúng tôi vẫn thường gặp gỡ thầy cô giáo cũ, vẫn gắn bó khăng khít bên nhau cho dẫu ở góc bể, chân trời nào.
Trường nghèo, thầy cô và học trò đều nghèo khó nên mọi việc chỉ tập trung cho dạy và học. Hội khóa hay hội lớp, chúng tôi có thể lo liệu được, còn hội trường lại là việc vượt quá tầm với, cho dù rất nhiều người mong muốn có dịp để về lại mái trường xưa giờ không biết ai nhớ ai quên?.
Rồi dịp sum vầy đó cũng đến, tháng 11 này tròn 50 năm thành lập trường.
Tỉnh nhà, huyện nhà hay ngành giáo dục, thành thông lệ rồi, thể nào cũng có bức trướng tặng in đậm dòng chữ vàng “50 xây dựng và trưởng thành”. Báo đài in bài thầy hiệu trưởng thể nào cũng giật tit “Nửa thế kỷ dạy tốt, học tốt”.
Ảnh: Tác giả cung cấp |
Cô giáo dạy Văn dọc đường từ Hà Nội về dự lễ thông báo đã kịp sáng tác nhanh bài thơ và sẽ đọc tặng mọi người, gì chả biết chứ nhiều người …sụt sùi là cái chắc.
Anh bạn lớp trên gọi điện, mới đầu hỏi có thầy cô nào về được, sau nói khẽ “thế bạn gì xinh nhất khóa cậu, giỏi toán đi nước ngoài ấy có về được không?”
Chà, mấy chục năm rồi mà cái từ khóa “xinh”, “học giỏi” ấy vẫn cứ “câu view” và hót hòn họt trong lòng các học trò nay tóc bạc, lên chức ông nội, ông ngoại, mấy vị hễ có dịp hội lớp, hội trường là xoắn xuýt, tíu tit cả lên như chưa được thế bao giờ!
***
Hội trường ở quê lần này, lớp tôi có bạn Lệ, là…Việt kiều từ tận Ba Lan về gặp mặt. Gặp nhau ở Vinh cũng có mà ở Đô Lương lại càng đến sớm! Tôi biết rõ bạn ấy là người thường xuyên giữ mối liên lạc, thăm hỏi với các thầy cô giáo cũ, với ban liên lạc của lớp. Nếu bận bịu công việc, bạn ấy thường gửi quà mừng thầy cô giáo, mừng cả lớp và không quên yêu cầu mọi người gửi ảnh kỷ niệm, càng nhiều càng…ít!
Người ở xa thứ 2 vẫn chịu khó về dự là bạn Hà, “cây hài” của lớp. Nhiều người nói ý là 40 chục năm rồi, tính nết đứa nào vẫn nguyên đứa đó, cái thằng Hà vẫn rứa. Vẫn bô bô từ đầu bàn đến cuối lớp “Nhà nước cho hưu nhưng về nhà, mẹ nó chưa cho”. Nói xong liếc xéo sang “người đẹp” hiện có hai cháu nội “Cháu mi có khi mô nhầm không mi?”, “mời lớp phó, hàm lớp trưởng lên trả lời, không làm được thì chuyển cho đời sau…”
Không hiểu sao khi phát biểu, tất tần tật đều …ngọng nghịu đến lạ. “Thét ra lửa” ở cơ quan mà về đây “phu quân” thì nói ra “phu nhân” khiến mọi người cười ồ lên rồi phải “nói lại cho đúng”. Ngay cả bạn Hà cũng thừa nhận, ở đơn vị hàng ngàn người, đi đứng nói năng hô hét đâu ra đấy, thế mà ở lớp cứ ấp a ấp úng như khi không thuộc bài hay khi định nói câu gì đó với “người đẹp” mà mặt chín như gấc và líu lưỡi!
Có hai người vắng buổi gặp mặt.
Đó là thầy giáo dạy Sinh bị ốm đang ở Vinh và một bạn gái cũng ốm đau dài ngày. Gần 40 năm, thầy vẫn nhớ hết tên mọi người, ấy là điều ai cũng ngỡ ngàng và kính phục.
Còn khi gặp lại người bạn gái kém may mắn nhất lớp ấy, nhớ nhớ quên quên, mừng mừng tủi tủi, bạn ấy đã quay mặt giấu vội giọt nước mắt rơi nhanh. Bình thường hễ gặp nhau là cả hội xúm vào cười nói, nhưng lúc ấy ai cũng nghẹn ngào.
May sao lúc đó người bạn đời vô cùng đáng khâm phục của bạn gái chúng tôi hồ hởi chào hỏi, bắt tay từng người và nói rất rõ rành “Bà yên tâm, ông đây khỏe là bà cũng phải khỏe, mọi chuyện chu đáo, đến nơi đến chốn…”
Vào đời, gặp điều không may mắn, nhưng chắc chắn bạn tôi đã được đỡ đần, an ủi và san sẻ rất nhiều khi gặp được người bạn đời chân chất, đầy nghĩa tình sâu nặng và đức hy sinh ấy.
Vâng, lớp tôi học ngày ấy và bây giờ có nhiều những điều đổi khác. Có người trưởng thành vươn lên, lại cũng có người là lão nông tri điền chính hiệu, thậm chí có người còn không may mắn như bạn gái nói trên.
Chỉ có một điều không thay đổi là không ai phân công nhưng bộ ba bí thư chi đoàn, lớp trưởng và lớp phó vẫn tự giác đứng ra tập hợp và duy trì mọi sinh hoạt để mọi người luôn nhớ đến thầy cô và bè bạn, nhớ lớp D dù đời thường lắm nỗi…
Tít tận bên trời Âu bạn tôi còn nhớ về trường, về lớp, còn tham dự đầy đủ mọi việc cơ mà? Cây hài lớp tôi vốn chả lúc nào nói được một câu ra vẻ “ông nội của 2 cháu”, vậy mà sau lần gặp gỡ này nhắn tin cho thầy cô và bạn bè, rằng, “ông to, bà nậy chi rồi cũng rứa, chỉ có ơn thầy, nghĩa bạn mới bền chặt với thời gian…”
Châu Phú