Niềm tin vào trí tuệ của người Việt
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, nhiều khách tham quan bị thu hút bởi một sản phẩm đặc biệt. Đó là drone Hera, sản phẩm công nghệ hoàn toàn được phát minh, thiết kế, chế tạo bởi người Việt.
Hera là sản phẩm do Realtime Robotics – một công ty công nghệ Việt Nam phát triển. Tiến sĩ Lương Việt Quốc, người sáng lập nên Realtime Robotics, từng có thời gian theo học tại nước ngoài. Nhưng ít người biết rằng, để có được thành công ngày hôm nay, ông đã phải trải qua một hành trình dài.
Giới thiệu về mình, Tiến sĩ Lương Việt Quốc cho biết, bản thân ông là một người không ngừng theo đuổi việc học. Từng là một đứa trẻ phải đi lượm rác để kiếm sống, thế nhưng hoàn cảnh khó khăn không khiến ông từ bỏ niềm đam mê học tập.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc có niềm tin mãnh liệt vào trí tuệ của người Việt Nam. Ông tin rằng người Việt đủ giỏi để tham gia “cuộc chơi” trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể phát minh và chế tạo ra một chiếc drone vượt lên trên thế giới.
Nghĩ là làm, vị tiến sĩ đã lập nên Công ty Realtime Robotics với sứ mệnh rõ ràng: “Drone innovations to advance humanity” – “Sáng chế drone để phụng sự con người”. Giúp ngành nông nghiệp xanh hơn, sạch hơn, thúc đẩy năng lượng sạch, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, giúp cho xã hội an toàn hơn, bảo vệ môi trường…, và đặc biệt, cung cấp drone trong lĩnh vực quân sự để bảo vệ tự do và chủ quyền lãnh thổ, chính là mục đích hướng tới của drone để phụng sự con người.
Được dẫn dắt bởi một sứ mệnh rõ ràng và tập trung toàn bộ nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển trong suốt nhiều năm, Realtime Robotics đã “hái quả ngọt”, đó là phát minh đột phá Hera - mẫu drone vượt trội so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thế giới.
Giá trị của một chiếc drone nằm ở năng lực của các loại thiết bị mà nó có thể mang theo. Về mặt vật lý, muốn nâng một vật nặng lên cao thì động cơ phải to và chong chóng phải lớn mới tạo ra đủ sức nâng, drone cũng vậy.
Realtime Robotics đã giải được bài toán đó khi phát triển thành công Hera – mẫu drone nhét gọn vào ba lô nhưng lại có khả năng mang theo khối lượng thiết bị lên tới 15kg, gấp 7 lần sản phẩm cùng loại. Về không gian, các drone trên thế giới thường chỉ có đủ chỗ để gắn 1 tải hay 1 camera. Còn Hera vừa nhỏ gọn lại vừa rộng rãi, có thể gắn 4 camera ở 4 vị trí khác nhau, hoặc camera kết hợp với bệ thả… Khả năng thực thi nhiệm vụ của Hera vượt hơn hẳn các thiết bị drone đang có trên thị trường.
Ở cùng một phân khúc, drone Hera của Việt Nam hiện là số 1 thế giới và không có đối thủ. Điều này đã được công nhận bởi nhiều chuyên gia uy tín thế giới, qua nhiều đánh giá độc lập có thể tìm thấy từ Google, sau khi Hera được công bố tại các triển lãm ở nước ngoài.
Bán drone sang Mỹ nhờ khát vọng Việt Nam
Hiện Realtime Robotics đã nhận được đơn đặt hàng từ RMUS – nhà phân phối drone lớn ở Mỹ. Lô sản phẩm đầu tiên RMUS đặt hàng sẽ được cung cấp cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ. Giá bán cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và châu Âu đã góp phần xác thực cho sự vượt trội về tính năng của Hera so với các sản phẩm khác. Đây cũng là bằng chứng cho thấy drone Hera đã được thị trường chấp nhận.
Sau Mỹ, Realtime Robotics sẽ xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường châu Âu. Hera sẽ được phân phối độc quyền tại Liên minh Châu Âu (EU) bởi một đối tác chuyên cung cấp dịch vụ drone cho quân đội và các lực lượng đặc biệt.
Tại Việt Nam, sắp tới, chiếc Hera đầu tiên sẽ được Realtime Robotics cung cấp cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an.
Với sự xuất hiện của Hera, lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội sở hữu drone ở cấp độ cá nhân người lính, vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại mà Israel và các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang sử dụng. Đây là phát minh của người Việt, do đó, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc chuyên biệt hóa drone để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Toàn bộ quá trình phát minh, thiết kế, chế tạo máy bay không người lái của Realtime Robotics đều được thực hiện ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lương Việt Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhà máy để tăng tốc độ sản xuất lên gấp 5 - 10 lần.
Bên cạnh việc tăng tốc độ sản xuất và độ phủ trên thị trường, Realtime Robotics đang hướng đến thương mại hóa các phát minh kế tiếp, trong đó có thể cho ra đời 1 - 2 sản phẩm mới thuộc hệ sinh thái drone trong năm 2023. Mẫu drone với tên gọi “Thần nông” đang được ấp ủ ý tưởng nhằm phục vụ ngành nông nghiệp Việt.
Chia sẻ về tương lai, Tiến sĩ Lương Việt Quốc mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất drone hàng đầu thế giới. Còn Realtime Robotics sẽ trở thành nhà chế tạo drone chuyên dụng sáng tạo nhất, đáng tin cậy nhất, cũng như có mục tiêu phụng sự con người rõ ràng nhất trên thị trường.
Ông hy vọng câu chuyện về Hera sẽ khích lệ các startup mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển. Đó là con đường mà Việt Nam cần phải đi, cũng giống như cách mà Hàn Quốc đã vươn lên từ một quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia hàng đầu thế giới.
Trọng Đạt
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)