Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất cả nước (chiếm 95%), Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 95% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Tày 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54% và Dao 10,36%. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy mạnh mẽ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS.

Người Dao ở Cao Bằng gồm 2 nhánh là Dao đỏ và Dao tiền sống chủ yếu ở các huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Thạch An... Hiện người Dao vẫn giữ gìn, phát huy nhiều nghề thủ công, như: nghề làm giấy bản ở xã Yên Lạc, nghề chạm bạc của nhóm Dao đỏ xã Thái Học (Nguyên Bình), nghề in hoa văn sáp ong của người Dao tiền xã Quang Thành (Nguyên Bình)...

W-anhdaotien.png
Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đang tỉ mỉ thêu trang phục truyền thống.

Đặc biệt, bắt kịp nhu cầu của khách du lịch ưa chuộng các sản phẩm thêu thổ cẩm, người Dao Tiền đã xây dựng cho mình một xưởng thêu ở một trong những điểm du lịch nằm trong tuyến phía Tây - “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” của Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống.

Xưởng thêu thuộc xã Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. 

Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, năm 2012, Tổ sản xuất thêu thổ cẩm đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến năm 2017, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Ủy ban nhân dân xã Hoa Thám đã thành lập Xưởng thêu thổ cẩm người Dao ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình). Xưởng thêu tập hợp những người cùng sở thích, cùng dệt, thêu, làm nên những bộ trang phục và các sản phẩm độc đáo của người Dao Tiền.

Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gắn Xưởng thêu của người Dao Tiền với phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng luôn nỗ lực tìm kiếm, hoàn thiện hệ thống đối tác nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững. Với mục tiêu chính là phát triển bền vững gắn với các hoạt động bảo tồn, CVĐC Non nước Cao Bằng không ngừng quan tâm, hỗ trợ và mang lại nhiều lợi ích cho các đối tác - những người trực tiếp gìn giữ, phát huy di sản văn hóa quý báu. Đồng thời khuyến khích đồng bào Dao Tiền ở Hoa Thám chủ động định hướng, động viên bà con đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm... tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường góp phần đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, để kết hợp giá trị văn hóa truyền thống trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biển, tuyên truyền về kho tàng văn hóa truyền thống của các DTTS. Đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” và các lễ hội của đồng bào các DTTS để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc phát huy vai trò của giá trị văn hóa truyền thống trong triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát thống kê vốn giá trị văn hóa truyền thống từng dân tộc, từng địa phương, đánh giá hiệu quả và tính bền vững; kết hợp sử dụng giá trị văn hóa truyền thống một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương và của từng dân tộc. Tuyên truyền, biểu dương, có chính sách động viên, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Nhóm PV