cu-tri.jpg
Cử tri có thể gửi mail chất vấn đại biểu Quốc hội thay cho văn bản giấy. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> VNPT cho Văn phòng Quốc hội thuê dịch vụ CNTT / Ứng dụng CNTT vẫn "đau đầu" chuyện vốn và nhân lực

Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã kỳ vọng đến năm 2012 sẽ có Quốc hội điện tử. Mục tiêu này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Chủ trương ứng dụng CNTT trong các cơ quan Quốc hội (QH) và hoạt động của QH đã được thực hiện từ khá sớm và liên tục được mở rộng từng bước một, phục vụ xử lý các công việc hàng ngày.  

Ứng dụng số hóa đầu tiên từ năm 1993, khi đó VPQH tổ chức ghi âm, gỡ băng các ý kiến thảo luận của đại biểu QH để cung cấp biên bản nhanh ngay trong ngày phục vụ công tác xây dựng luật. Dần dần các dữ liệu số hóa này được tổ chức thành cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho việc tra cứu, tìm kiếm, khai thác. Tiến tới là việc tích hợp các âm thanh phát biểu của đại biểu vào trang các dữ liệu, đại biểu có thể đọc, nghe lại các ý kiến thảo luận tại các kỳ họp QH. Tiếp đó, từ năm 2004, VPQH đã số hóa các nội dung của các phiên họp Thường vụ QH hàng tháng (mỗi tháng 7-10 ngày).

Từ năm 1993, VPQH cũng đã số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu Luật. Theo đó, tập hợp tất cả các văn bản quy phạm pháp luật từ 1945. QH là cơ quan đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu luật, việc tìm và số hóa các văn bản luật, sắc lệnh rất kỳ công và công phu. Tới nay tất cả các văn bản mới đều được cập nhật ngay. Đây là cơ sở dữ liệu luật đầu tiên và đầy đủ nhất.

Từ tháng 11/2011, VPQH đã phối hợp với VNPT triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến, nối 64 điểm cầu từ VPQH với 63 văn phòng đoàn đại biểu QH và HĐND. Hệ thống này phục vụ cho các phiên họp của Ủy ban Thường vụ. Phiên thử nghiệm đầu tiên dùng qua hệ thống mạng chuyên dùng của Văn phòng Chính phủ, đến nay mới hoàn thành được hệ thống riêng cho các đoàn đại biểu QH. Từ đó một số phiên họp của Ủy ban Thường vụ mà cần chất vấn sẽ mời các đại biểu địa phương tới các điểm cầu để chất vấn trực tuyến. Hoặc các hội nghị chuyên trách của đại biểu QH (gồm hơn 100 đại biểu ở Hà Nội) sẽ mời các đại biểu địa phương cùng tham gia họp trực tuyến. Việc sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến sẽ mở rộng được đối tượng tham gia họp, tiết kiệm thời gian đi lại của đại biểu đại phương, tiết kiệm chi phí so với họp tập trung hàng trăm triệu đồng mỗi phiên họp.

VPQH cũng đã dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy qua hệ thống eoffice. Trước đây, trước mỗi kỳ họp VPQH phải sao gửi văn bản giấy cho tất cả đại biểu, tốn nhiều giấy và thời gian gửi chậm. Đến nay mỗi đại biểu có một hộp thư điện tử và VPQH sẽ gửi toàn bộ tài liệu cho các đại biểu qua hộp thư riêng.

Hiện nay, VPQH đang triển khai dự án nâng cấp Trang thông tin điện tử của QH thành Cổng thông tin điện tử QH. Cổng này sẽ tích hợp các trang điện tử riêng lẻ của một số đoàn đại biểu QH và các Ủy ban của QH. Trung tâm Tin học (VPQH) sẽ đảm bảo về kỹ thuật kết nối, các cơ quan của QH sẽ tự làm nội dung. Cổng này cũng sẽ truyền hình trực tuyến các phiên họp của QH. Cử tri có thể vào Cổng thông tin để theo dõi video về các kỳ họp, dự kiến đến quý I/2013 sẽ hoàn thành.

Từ tháng 10/2012, VPQH cũng đã đưa vào sử dụng Hệ thống điều hành điện tử EPAS do VNPT đầu tư toàn bộ. EPAS đã làm đổi mới công tác quản lý văn bản trong điều hành xử lý công việc của toàn bộ các cơ quan của VPQH. Đến nay toàn bộ văn bản đi – đến của các cơ quan VPQH được xử lý trên hệ thống EPAS. Qua 2 tháng sử dụng, đã có 46.000 văn bản đến được số hóa, 13.000 văn bản đi được lưu trữ trong EPAS. VPQH hướng đến việc thay đổi toàn bộ văn bản giấy trong công việc hàng ngày.

Mr.Le-Hoang-Hai-.jpg
Ông Lê Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Tin học (Văn phòng Quốc hội). Ảnh: M.Q

Thưa ông, việc giao tiếp trực tuyến giữa đại biểu QH và cử tri đã được thực hiện thế nào? VPQH có bàn đến việc sẽ công khai địa chỉ email của đại biểu để người dân liên hệ hay không?

Mục tiêu của QH là làm sao đại biểu QH có thể giao tiếp với cử tri trực truyến, nhưng cần phải có lộ trình mới thực hiện được. Hiện nay VPQH đã xây dựng trang Hỏi đáp trên Trang thông tin điện tử QH (http://hoidap.quochoi.vn/), một số đại biểu chuyên trách sẽ nhận ý kiến của cử tri gửi qua mail và trả lời qua trang này. Đây là bước tương tác trực tuyến đầu tiên giữa đại biểu và cử tri. Nhưng hiện chỉ có một nhóm nhỏ các đại biểu chuyên trách sử dụng trang này để giao tiếp với cử tri.

Sắp tới, VPQH hướng đến xây dựng một trang web riêng cho phép từng đại biểu có phương tiện giao tiếp trực tuyến với cử tri. Song việc công khai địa chỉ mail của tất cả các đại biểu là rất khó, vì chúng tôi e ngại tình trạng spam mail (thư rác – PV) và một đại biểu nếu số lượng thư gửi đến nhiều sẽ không có điều kiện trả lời hết được. Hiện tại QH nước ta chưa có nhân sự để hỗ trợ các đại biểu trả lời giải đáp của người dân.

Ông có thể xếp hạng QH điện tử nước ta đang ở mức độ nào?

Khái niệm QH điện tử thực chất là làm sao tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ trong các hoạt động của các cơ quan QH và đoàn đại biểu QH để thực hiện chức năng tốt nhất của QH với cử tri. Việc ứng dụng này không bao giờ có điểm dừng, nói cách khác nó sẽ ngày càng được mở rộng và hoàn thiện hơn. Giai đoạn vừa rồi ứng dụng CNTT mới chỉ chủ yếu phục vụ cho công việc nội bộ của QH.

Tới đây, VPQH sẽ tiếp tục tăng cường các ứng dụng CNTT phục vụ cử tri. Khi trụ sở QH và VPQH được hoàn thiện, VPQH sẽ xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại và đại biểu QH có cơ hội sử dụng hệ thống CNTT tốt hơn để phục vụ cử tri. Tôi nghĩ QH điện tử nếu so sánh với các chỉ tiêu do Bộ TT&TT ban hành chắc gần đạt mức 3.

Sắp tới VPQH sẽ triển khai các ứng dụng CNTT để nâng tầm QH điện tử hay không?

Sắp tới VPQH sẽ số hóa tất cả các đầu sách trong thư viện QH thành thư viện điện tử, phục vụ cho việc tra cứu của đại biểu QH, một số thông tin tri thức có thể chia xẻ cho đông đảo người dân truy cập. Dự kiến năm 2013 sẽ bắt đầu triển khai và đi dần từng bước một, mở rộng dần dần.

Bên cạnh đó, VPQH dự định sẽ xây dựng một đề án tổng thể về ứng dụng CNTT. QH điện tử sẽ đặt ra hết các bài toán ứng dụng CNTT sau đó xây dựng một lộ trình triển khai trong vòng 5 năm tới và kết hợp các đề án riêng rẽ thành một đề án tổng thể.

Ông có thể cho biết các khó khăn khi triển khai QH điện tử?

Khó khăn lớn nhất là QH đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất, các cơ quan làm việc chưa tập trung thành một khu vực nên rất khó triển khai một hệ thống CNTT đồng nhất.

Khó khăn nữa là các máy tính của VPQH có nhiều loại, cũ mới khác nhau, để kết nối cũng rất khó. Cơ chế đầu tư từ tiền ngân sách triển khai rất chậm, thủ tục theo Nghị định 102 tưởng chặt chẽ nhưng lại không phù hợp với các dự án CNTT nên khi làm rất vướng và không khả thi. Khi triển khai hệ thống EPAS chúng tôi đã phải xin lãnh đạo VPQH một cơ chế đặc thù cho phép VNPT đầu tư toàn bộ và VPQH sử dụng theo hình thức thuê dịch vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý điều hành EPAS hiện chưa liên thông được với các cơ sở dữ liệu đã có, vì EPAS là một hạ tầng hoàn toàn mới, còn hệ thống cơ sở dữ liệu của QH là những hệ thống riêng rẽ. Liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu là một mục tiêu mà sắp tới VPQH sẽ triển khai và EPAS là hạ tầng kỹ thuật hiện đại để phát triển tiếp các ứng dụng khác.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)