Từ sáng sớm, rất đông người thi nhau xếp hàng để chui qua kiệu rước Đức Thánh Trần cầu mong may mắn, bình an. Đó là tập tục có từ xa xưa của người dân TX Quảng Yên, Quảng Ninh mỗi khi Lễ hội Bạch Đằng diễn ra.
Các bô lão tại phường Yên Giang, TX Quảng Yên cho hay, tập tục này không biết có từ khi nào, chỉ nhớ rằng từ khi sinh ra họ đã được bố mẹ cho đứng ngoài đường đợi kiệu để chui qua.
Theo quan niệm dân gian, người nào chui qua được kiệu rước Đức Thánh Trần sẽ may mắn cả năm, còn em bé nào chui qua kiệu sẽ mau ăn chóng lớn. Vì thế vào mỗi dịp Lễ hội Bạch Đằng, người dân và du khách lại xếp hàng chờ thực hiện việc làm ý nghĩa đó.
Bà con nơi đây cũng coi lễ hội này là lớn nhất trong năm, xuyên suốt là nhiều hoạt động tâm linh, trong đó thu hút đông người nhất là chui qua kiệu rước.
Nghi thức rước Đức Thánh Trần vi hành từ Khu di tích Bạch Đằng về đình Yên Giang (phường Yên Giang) và rước ngược lại diễn ra rất công phu.
Từ sáng sớm mùng 6/3 Âm lịch, các trai tráng được lựa chọn kỹ càng là người có sức khỏe, gia đình văn hóa, mặc lễ phục, đầu đội khăn đỏ làm lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng bảo kiếm đi quanh TX Quảng Yên.
Kiệu được trang trí sơn son, thếp vàng, có ô lọng che và do 4 người khiêng. Đi trước và sau kiệu là các đội lễ, thanh âm, cờ tái hiện lại Đức Thánh Trần Hưng Đạo vi hành.
Người dân hai bên tuyến đường đoàn rước đi qua kiên nhẫn chờ đợi vì việc chui qua kiệu chỉ diễn ra một lần duy nhất mỗi năm.
Chị Bùi Thanh Huyền (giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo) cho biết, đoàn rước kiệu năm nào cũng đi qua khu vực trường học nên học sinh được tạo điều kiện khoảng gần 10 phút để ra ngoài chui kiệu. "Đây là nét đẹp văn hoá có từ thời xưa, người dân cầu sức khoẻ, bình an, học sinh cầu thông minh, học giỏi", cô Huyền cho hay.
Năm nay, Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ ngày 14 đến 17/4 (tức mùng 6-9/3 Âm lịch), tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Lễ hội còn được gọi là ngày "Giỗ trận" Bạch Đằng để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn tới cha ông đã hy sinh làm nên 3 lần chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288.