Từ khi người vợ phải cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), anh Lê Hồng Phúc (46 tuổi, huyện Cần Giờ) gần như đã bỏ nghề biển. Bác sĩ nói vợ anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối sau khoảng 2 năm bị tiểu đường, tăng huyết áp. Từ đó, họ bắt đầu chuỗi ngày mỗi tuần 2 lần vào đất liền chạy thận.
Từ xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), vợ chồng anh Phúc theo ghe vào bờ rồi đón xe khách quận 5 để đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho kịp giờ. Buổi lọc máu thường bắt đầu lúc 11h30, khi kết thúc cũng đã đến cuối giờ chiều.
Anh Phúc tâm sự, nhiều đêm, hai vợ chồng ngủ lại trên ghế đá bệnh viện chờ trời sáng. Quãng đường về nhà là 80km, qua phà, xuyên rừng, đi ghe, không phải khi nào cũng thuận lợi. Mỗi chuyến chạy thận tốn khoảng 400.000 đồng chi phí đi lại cho 2 vợ chồng. Riêng tiền xe khách đã là 95.000 đồng/người/lượt.
Thực tế, cả huyện Cần Giờ có khoảng 41 người suy thận mạn giai đoạn cuối cần lọc máu định kỳ như vợ anh Phúc. Dân số cả huyện khoảng 75.000 người nhưng không có đơn vị chạy thận. Người bệnh buộc phải điều trị rải rác khắp Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện 7A, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Quân y 175... Con đường của ai cũng gian nan, có người từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Trước tình trạng trên, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) đã hỗ trợ Bệnh viện huyện Cần Giờ thiết lập đơn vị chạy thận, sẻ chia cùng nỗi vất vả của người bệnh nhiều năm qua. Khi nghe tin máy chạy thận sẽ về huyện, anh Phúc không giấu được niềm vui và chạy đến nhà Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạnh An để… đăng ký giữ chỗ.
Sáng 18/10/2023, sau hơn 1 tháng thiết lập, Đơn vị Thận nhân tạo tại Bệnh viện huyện Cần Giờ chính thức đi vào hoạt động. Đây là đơn vị vệ tinh của Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, được đầu tư đầy đủ thiết bị, hệ thống lọc nước RO… theo tiêu chuẩn.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định chạy thận tại địa phương có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân. Việc người bị suy thận ở Cần Giờ phải vào thành phố để chạy thận rất mệt mỏi, tốn kém và nguy hiểm.
“Tôi trân trọng và cảm ơn Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã xung phong thực hiện Đơn vị Thận nhân tạo ngay tại Bệnh viện huyện Cần Giờ để bà con đỡ vất vả. Đơn vị này không phải đầu tư thêm một đồng ngân sách nào mà hai bệnh viện đã tận dụng những gì sẵn có. Ví dụ như, các cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, được sử dụng triệt để, tất cả vì bệnh nhân chạy thận" ", ông Thượng nói.
Trong phòng bệnh, ông Trương Minh Dũng (52 tuổi) cho biết đã chạy thận được hơn 1 năm ở Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM). Mỗi lần như vậy, ông phải tranh thủ đi từ sáng sớm, khi về nhà đã là chiều muộn, dù thời tiết mưa hay nắng cũng phải cố gắng.
“Khi biết mình sẽ được chạy thận ở Bệnh viện huyện Cần Giờ, tôi vui lắm, vui muốn khóc. Nhà tôi đi đến bệnh viện chỉ 5 phút nên rất thuận lợi, càng đỡ khổ hơn về mặt tiền bạc khi tiết kiệm đến 95% tiền di chuyển, ăn uống", ông Dũng nói.
Trong khi đó, bệnh nhân Nhã Phương (32 tuổi) tâm sự từ khi phải chạy thận định kỳ, chị hầu như không làm được gì ngoài đi về quãng đường từ nhà đến trung tâm lọc máu. Người phụ nữ rất mệt mỏi và đuối sức nhưng không có lựa chọn khác. Đến khi máy lọc máu được đưa về gần nhà, cuộc sống của chị Phương và rất nhiều người đã bớt đi nỗi vất vả, nhọc nhằn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, huyện Cần Giờ có đến 41 bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhưng hiện chỉ có 5 máy, đáp ứng cơ bản cho khoảng 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận ban đầu. Như vậy, để đảm bảo phục vụ cho người bệnh lâu dài, Cần Giờ cần 10-12 hệ thống máy chạy thận.
“Chúng tôi mong muốn có thêm sự chung tay từ các đơn vị nhằm đảm bảo chạy thận cho người bệnh không bị gián đoạn", bác sĩ Khanh nói.